Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tranh chấp về di sản thừa kế

Cập nhật: 30/04/2014 00:00

Hỏi: Bố mẹ tôi mất đã 15 năm nay, bố mẹ tôi có 4 người con, hai chị gái tôi đã đi lấy chồng, tôi là em út, lớn lên ra nước ngoài mưu sinh, nay tôi trở về nước, ngôi nhà cũ của bố mẹ tôi khi tôi vắng nhà người anh cả đã phá đi xây nhà mới, sau đó ông đã được cấp GCN QSD đất.

Anh em chúng tôi mâu thuẫn, tôi làm đơn khởi kiện đòi chia tài sản thừa kế. Tôi xin hỏi yêu cầu của tôi có đúng pháp luật không? Nếu không khởi kiện thì giải quyết như thế nào cho đúng luật?

Vũ Đăng (Hải Dương)

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 645 - Bộ luật Dân sự quy định về thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Trường hợp bố, mẹ bạn đã mất cách đây 15 năm, như vậy thời hiệu khởi kiện để chia tài sản thừa kế đã hết, tòa án không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Căn cứ khoản 1, điểm a, Điều 676 - Bộ luật Dân sự, xác định tài sản thừa kế thuộc về những người ở hàng thừa kế thứ nhất gồm có bốn anh chị em bạn nếu như bố mẹ bạn không có người con nuôi nào khác.

Quyền sử dụng đất được xác định là tài sản chung, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đang là tài sản chung chưa chia, nếu các đồng thừa kế khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung, tòa án thụ lý, xem xét thấy có căn cứ xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có vi phạm tòa án sẽ có quyết định yêu cầu cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (điều 21, Nghị định 84/2007) chia di sản đó theo từng phần mà các thừa kế được hưởng.

Trong trường hợp các đồng thừa kế không muốn khởi kiện có thể thỏa thuận đưa ra các yêu cầu, các bên chấp nhận thể hiện bằng văn bản có cơ quan công chứng chứng thực, sau đó xin thay đổi tên người sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; để làm tài sản chung của tất cả đồng thừa kế hoặc chia hoặc thanh toán bằng tiền cho nhau vẫn đúng luật, đỡ tốn kém tiền bạc, cơ quan nhà nước không phải giải quyết.

LS Trương Văn An
(Theo ANTĐ)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM