Trong 3 năm gần đây, giá BĐS tại 3 tuyến đường, bao gồm: đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở tới chân cầu Vĩnh Tuy, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài và đường Phạm Văn Đồng đang tăng "chóng mặt".
Nhiều tuyến đường mới của Hà Nội được xây dựng, đi vào hoạt động đã giúp bộ mặt đô thị trở nên khang trang, hiện đại. Cũng nhờ “ăn theo” hạ tầng giao thông, giá bất động sản (BĐS) tại các tuyến đường mới mở cũng tăng giá từng ngày.
Theo chia sẻ của nhiều môi giới BĐS, 3 tuyến đường có giá BĐS tăng cao nhất hiện nay ở Hà Nội, bao gồm: đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở tới chân cầu Vĩnh Tuy; đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài và đường Phạm Văn Đồng.
Đường Vành đai 2
Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, trước khi đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở tới chân cầu Vĩnh Tuy được thi công, giá đất mặt đường tại khu vực này dao động từ 120 - 200 triệu đồng/m2; giá mặt ngõ dao động từ 50 - 100 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.
Sau khi dự án này bắt đầu công tác giải phóng mặt bằng vào năm 2018, giá đất tại đây đã tăng "chóng mặt", lên tới 30 - 60%.
Giá đất quanh trục đường Vành đai 2 đang tăng mạnh trong 2 năm qua.
Cụ thể, khu vực “nóng” nhất chính là đường Trường Chinh, giá đất mặt đường dao động từ 200 - 350 triệu đồng/m2. Tiếp đến là đường Đại La và Minh Khai, giá đất mặt đường dao động từ 200 - 300 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá đất trong ngõ chạy dọc tuyến đường này cũng tăng nhẹ từ 10 - 15%, dao động trong khoảng 60 - 150 triệu đồng/m2, một số mảnh đất nằm sát trục đường chính có thể lên tới 200 - 220 triệu đồng/m2.
Khảo sát cho thấy giá nhà mặt đường ở khu vực này tăng ít nhất là 30% so với trước khi mở đường.
Cụ thể, một ngôi nhà 50 m2, 3 tầng tại ngõ Gốc Đề, cách mặt đường Minh Khai khoảng 100 m, tăng từ 3,2 tỷ đồng (khoảng 65 triệu đồng/m2) lên 4,8 tỷ đồng (khoảng 92 triệu đồng/m2).
Không chỉ giá nhà đất, chi phí thuê mặt bằng tại đây cũng đang tăng "phi mã", bất chấp đại dịch Covid-19. Trong đó, một cửa hàng ngay Ngã Tư Sở có diện tích 50 m2, 5 tầng, mặt tiền 14 m có giá thuê 50 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, cũng trên đường Trường Chinh, một cửa hàng 4 tầng, có diện tích sàn 25 m2, có dạng hình ống, mặt tiền 1,2 m, giá cho thuê lên tới 30 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với PV báo Dân trí, cả hai chủ mặt bằng trên đều không đồng ý giảm giá dù khó khăn chung bởi đại dịch.
Không chỉ giá nhà đất, chi phí thuê mặt bằng tại đây cũng đang tăng "phi mã" bất chấp đại dịch Covid-19.
Ông Thế Anh, một nhân viên môi giới BĐS tại quận Hai Bà Trưng cho rằng, đường Vành đai 2 được đánh giá là một trục đường lớn, hiện đại nhất nhì Thủ đô với 6 làn xe ở phía dưới và 1 đường cao tốc trên cao.
Đồng thời, tuyến đường có lưu lượng giao thông rất lớn, dân cư đông đúc, lại gần 5 - 6 trường đại học, nên giá thuê mặt bằng ở đây luôn đắt đỏ và các chủ nhà thường không chấp nhận giảm sâu khi có người hỏi thuê.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài
Kể từ khi được thông xe vào cuối năm ngoái, giá đất thổ cư dọc tuyến đường Nguyễn Văn Huyên vẫn đang tiếp tục tăng mạnh, dao động từ 30 - 60%.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài qua 3 quận nội thành Hà Nội.
Khảo sát từ thị trường cho thấy, đoạn đầu Nguyễn Văn Huyên giáp với đường Cầu Giấy có giá BĐS cao nhất, dao động từ 100 triệu đồng - 350 triệu đồng/m2, cá biệt, một số ngôi nhà được rao bán với giá 400 triệu đồng/m2.
Giá đất mặt ngõ dao động từ 50 - 120 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10% so với cuối năm 2019.
Trong khi đó, đoạn Nguyễn Văn Huyên giáp với đường Hoàng Quốc Việt kéo dài tới Xuân Đỉnh có mức giá “mềm” hơn, dao động trong khoảng 100 - 300 triệu đồng/m2, song tốc độ tăng giá lại rất mạnh lên tới 15 - 20% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Sau khi hoàn thành, bình quân giá đất trên đường Nguyễn Văn Huyên đã tăng 30 - 60%.
Đại diện một công ty BĐS tại đây cho biết, sở dĩ có hiện tượng này là do đường Nguyễn Văn Huyên trải dài qua 3 quận, bao gồm Cầu Giấy, Tây Hồ và Bắc Từ Liêm. Trong đó, đoạn đầu thuộc quận Cầu Giấy là đất thổ cư, có nhiều nhà dân, giá đất vốn dĩ đã cao từ trước.
Cá biệt một vài ngôi nhà trên tuyến đường này rao bán gần 400 triệu đồng/m2.
Trong khi đoạn giữa và đoạn cuối đi qua quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm (khu vực Tây Hồ Tây) nhiều phần là đất nông nghiệp, sau trở thành đất dự án.
Vì vậy, các giao dịch đất tại khu vực này thường là giao dịch theo dự án, cách tính giá sẽ khác hoàn toàn.
Đường Phạm Văn Đồng (đường Vành đai 3)
Chạy dọc đường Phạm Văn Đồng trước kia có nhiều làng cổ, nằm xa trung tâm thành phố, nên giá đất tương đối thấp so với các tuyến phố mặt bằng trung tâm của Hà Nội. Đơn cử, trước năm 2010, giá đất mặt đường Phạm Văn Đồng chưa tới 100 triệu đồng/m2, giá đất mặt ngõ khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, kể từ năm 2016, thời điểm dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng (nằm trong dự án Đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) bắt đầu giai đoạn thi công đầu tiên, giá đất tại đây đã tăng rất nhanh, ảnh hưởng tích cực đến thị trường BĐS khu vực phía Tây Bắc Hà Nội.
Giá đất quanh trục đường Phạm Văn Đồng tăng mạnh kể từ năm 2016.
Một số nhân viên môi giới BĐS cho rằng, cũng giống như đường Vành đai 2, đường Phạm Văn Đồng vẫn đang trong giai đoạn thi công. Trong thời gian tới, khi dự án này được hoàn thiện, giá đất vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm.
Một ngôi nhà đang rao bán tại đường Phạm Văn Đồng.
Theo nhiều chuyên gia, việc giá đất “ăn theo” hạ tầng giao thông là chuyện không mới. Tại nhiều nơi, sự tăng giá bất thường của giá đất không loại trừ có sự tham gia tích cực của các môi giới.
Vì vậy, khi có nhu cầu mua nhà, mua đất ở những tuyến phố đang trong quá trình xây dựng hạ tầng, người mua nên xác minh về nguồn gốc đất đai, tính pháp lý, tìm hiểu kỹ về giá trị thật của mảnh đất mình đang muốn mua, tránh trường hợp bị "cò" lợi dụng việc mở rộng đường để đẩy giá bán.