Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa phê duyệt đề án đầu tư Khu du lịch sinh thái với quy mô hơn 1.700ha, tổng mức đầu tư hơn 13,8 nghìn tỷ đồng tại Vĩnh Phúc.
Theo đó, đề án quy hoạch diện tích sử dụng để phát triển du lịch sinh thái bao gồm diện tích cho thuê môi trường rừng đến năm 2020 là 1.703,9ha, chia làm 2 phân khu hành chính - dịch vụ và khu phục hồi sinh thái.
Trong đó, phân khu hành chính – dịch vụ 1.033,9ha gồm các khu: Hồ Xạ Hương – Thung lũng Chắt Dậu 107ha; khu Hồ Làng Hà – Rừng Lim 28,3ha; khu km 15-18 (100,6ha); Chân đỉnh Rùng Rình 37,8ha;
Khu Tây Thiên 300,1ha; khu Lũng Vinh Ninh 50ha; Tam Đảo II 300,5ha; các khu khác có tổng diện tích 109,6ha.
Phân khu Phục hồi sinh thái có tổng diện tích quy hoạch 670ha, gồm các khu: Bến Tắm (Đạo Trù) 100ha; khu Vĩnh Ninh (Đạo Trù) 100ha; Bản Long – Thác Thậm Thình (Minh Quang) 100ha; Ven hồ Thanh Lanh (Trung Mỹ) 100ha; Đá Đen (Quân Chu) 100ha; ven hồ Vai Miếu (Ký Phú) 70ha; ven hồ Vai Bành (Phú Xuyên) 50ha và khu suối Kẹm (La Bằng) 50ha.
Đề án được thực hiện chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2014 - 2015 và từ 2016 - 2020.
Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 13,8 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 650 triệu USD). Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 2.736 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 11.072 tỷ đồng.
Khuyến khích đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại trong dự án; đơn giản hóa các thủ tục hành chính;
Ưu tiên hình thức đầu tư xã hội hóa, thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào dự án dưới các hình thức như: Góp vốn cổ phần với doanh nghiệp nhà nước, hình thành các công ty du lịch với sở hữu hỗn hợp Nhà nước – Tư nhân...
Mức độ tác độ tác động của hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20% tổng diện tích được thuê môi trường rừng đặc dụng.
Trong đó, cho phép sử dụng 5% tổng diện tích được thuê để được làm đường mòn, điểm dừng chân, xây dựng văn phòng, nhà làm việc, cơ sở hạ tầng, vui chơi giải trí và khu công năng phục vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Quy hoạch đề án cũng cho thấy, có 6 tuyến du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, Đề án cũng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Tam Đảo...
Về cơ chế chính sách, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông đường trên cao (cáp treo), đường bộ và nâng cấp các tuyến đường đến các điểm du lịch của Vườn quốc gia Tam Đảo để thuận lợi phát triển du lịch sinh thái.
Xây dựng hệ thống đường đi bộ, cáp treo, đường hầm phục vụ phát triển du lịch; thiết kế và xây dựng hệ thống đường đi bộ qua các hệ sinh thái đặc trưng, kết nối các điểm cảnh quan tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử…
Đối với dự án cho thuê môi trường rừng phải phù hợp với quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Tam Đảo giai đoạn 2010 - 2020.
(Theo Bizlive)