Giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị hiệu quả đã được tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị Toàn thể mạng lưới các TP lớn Châu Á thế kỷ XXI (ANMC21) lần thứ 12 vừa diễn ra tại Hà Nội quan tâm.
Phát triển "chọn lựa" và "trọng tâm"
Là một trong những đô thị có dân số đông vào hàng bậc nhất (13,28 triệu người) trong khu vực cũng như trên thế giới, thế nhưng với tầm nhìn chiến lược dài hạn, Tokyo (Nhật Bản) đang được xem là hình mẫu về quy hoạch và quản lý đô thị để nhiều TP trong khu vực học hỏi. Giám đốc các dự án cảnh quan đô thị - Cục Phát triển đô thị chính quyền TP Tokyo Mikio Ono - cho biết: "Quan điểm phát triển đô thị ở Tokyo là phải hài hòa với tự nhiên, môi trường, lịch sử, văn hóa, lối sống...
Theo đó, Tokyo tập trung phát triển đô thị theo hướng có chọn lựa và trọng tâm, nghĩa là thúc đẩy hoạt động phát triển ở khu vực lõi trung tâm, nơi có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Một yếu tố nữa rất quan trọng là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào phát triển đô thị như phục dựng các công trình lịch sử và quản lý các công trình này". Ông Mikio cho rằng, có những quy hoạch có thể xây dựng trong một năm, nhưng nếu có ngoại lệ thì sẽ quyết định xây dựng nhanh chỉ trong 6 tháng hoặc nới lỏng hạn chế về tỉ lệ diện tích sàn và sử dụng công trình.
Không gian mặt nước rất quan trọng với thủ đô Hà Nội. Trong ảnh: Một góc Hồ Tây
Chia sẻ ý tưởng với Tokyo, đại diện đến từ TP Jakarta (Indonesia) cho rằng, khi quy hoạch TP cần bảo đảm rằng những nhu cầu hiện tại không ảnh hưởng tới nhu cầu và lựa chọn của thế hệ tương lai. Với số dân khoảng 12 triệu người, thủ đô Jakarta được ví như chiếc nam châm hút mọi người từ khắp Indonesia về sinh sống, học tập và làm việc.
Vì thế, quy hoạch bền vững sẽ góp phần tạo ra môi trường sống, làm việc và thư giãn tốt hơn. Theo đó, Jakarta dành ưu tiên cho một số lĩnh vực khi quy hoạch và quản lý đô thị như: Phát triển giao thông theo định hướng giao thông công cộng, MRT (tàu điện ngầm), BRT (xe buýt nhanh), bên cạnh đó là chương trình nhà ở giá rẻ, quản lý rác thải rắn và nước thải, quản lý ngập lụt và công trình xanh.
Phát triển hài hòa, bền vững
Là quốc gia có diện tích nhỏ - chỉ 716km2 với 5,3 triệu người - nhưng Singapore được coi là quốc gia sạch nhất thế giới với quy hoạch đô thị hợp lý, hài hòa. TS Amy Khor - Bộ trưởng Bộ Y tế và nguồn nhân lực, Thị trưởng quận Đông Nam Singapore chia sẻ, vì có diện tích đất ít nên từng ki lô mét vuông ở Singapore đều được sử dụng một cách tối ưu và nơi đây chủ yếu phát triển không gian ngầm, đặc biệt là phát triển bền vững về môi trường. Trong 50 năm phát triển quy hoạch xanh, màu xanh ở Singapore đã tăng từ 35 đến 50% diện tích đất.
Chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch và quản lý đô thị trong phiên đối thoại tại Hội nghị ANMC21, nhiều đại biểu cho rằng mỗi TP có đặc thù kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa riêng nhưng đều gặp phải khó khăn trong quá trình thực thi quy hoạch đô thị. Trong đó, làm thế nào để quy hoạch và phát triển đô thị một cách hài hòa, bền vững là bài toán không đơn giản với mỗi TP. Đại diện của TP Jakarta cho biết, để hiện thực giấc mơ về một đô thị xanh, đáng sống với cả người dân lẫn khách du lịch, chính quyền TP đã ban hành quy hoạch đô thị tới năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, Jakarta sẽ có khoảng 30% diện tích xanh; phục vụ cho 12,5 triệu người; 60% dân số sử dụng các phương tiện công cộng…
Chia sẻ tại hội nghị về những giải pháp ở TP mình, đại diện đến từ Sở Quy hoạch TP Bangkok (Thái Lan) cho biết, thách thức lớn trong phát triển đô thị tại Bangkok là các tòa nhà cao tầng mọc lên đã phá vỡ tỷ lệ quy hoạch, bên cạnh đó là biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra.
Tại hội thảo lần này, TS. KTS Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng nêu những khó khăn, thách thức trong quy hoạch đô thị tại Hà Nội, trong đó chủ yếu là việc di dời các cơ sở y tế, trụ sở, bộ, ngành, các trường đại học, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; hạn chế trong điều tiết chức năng khu vực nội đô, bên cạnh đó là việc bảo tồn hình thức kiến trúc và bảo tồn các làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Hải cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần đổi mới phương pháp quy hoạch theo hướng công khai minh bạch, giảm thiểu sự đầu cơ đất, huy động mọi thành phần tham gia, quy hoạch có chất lượng, gắn liền cảnh quan, cây xanh… Loạt giải pháp này sẽ góp phần giúp Hà Nội hiện thực hóa được mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, bền vững và tăng khả năng ứng phó với thiên tai.
(Theo HNM)