Do có vị trí thuận lợi, Bình Phước đã đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp (KCN), thu hút đầu tư. Tuy nhiên, do hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực, thiếu vốn. thiếu cả... nhà đầu tư, cho nên hàng nghìn héc-ta đất sau thu hồi vẫn để không gây lãng phí tài nguyên đất.
Quy hoạch khu công nghiệp ở Bình Phước: Nhiều đất, ít nhà đầu tư
Bình Phước quy hoạch tám KCN, một Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, với tổng diện tích hơn 33.600 ha, tuy nhiên đến nay chỉ có 7 KCN hoạt động, thu hút 117 dự án đầu tư và sử dụng diện tích khoảng 458 ha, thấp hơn diện tích quy hoạch rất nhiều.
Qua khảo sát thực tế, KCN Minh Hưng -Hàn Quốc, diện tích 392 ha, đã thu hút 54 DN đến đầu tư, nhưng cũng chỉ sử dụng khoảng gần 80% diện tích. Tại KCN Minh Hưng III, với diện tích 291 ha, do Công ty cổ phần KCN cao-su Bình Long làm chủ đầu tư, đến nay mới thu hút được sáu dự án đầu tư, với tổng diện tích gần 80 ha, nhưng hiện tại cũng chỉ có Nhà máy sản xuất gỗ MDF, diện tích khoảng 38 ha của Công ty cổ Phần MDF VRG Dongwha và Công ty Asathio Vietnam (Nhật Bản) sản xuất hóa chất, diện tích một ha, đang hoạt động.
Quy hoạch khu công nghiệp ở Bình Phước còn nhiều bất cập
Tương tự, tại KCN Bắc Đồng Phú thuộc Công ty CP Bắc Đồng Phú, diện tích 190 ha, hiện chỉ có Công ty TNHH Freewell Industrial (Việt Nam) thuê khoảng 20 ha đất để sản xuất giày thể thao xuất khẩu. KCN Nam Đồng Phú diện tích 72 ha cũng mới xây được một cái cổng, một căn nhà cấp bốn để đón DN đến thuê đất.
Riêng KCN Becamex-Bình Phước, diện tích 1.993 ha, vốn đăng ký đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, từ năm 2008 đến nay chưa giải tỏa xong, vì vậy DN chưa thể thực hiện dự án, còn người dân không biết dự án có làm tiếp không, nên chẳng dám đầu tư gì.
KKT cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (thuộc huyện Lộc Ninh), rộng hơn 28.300 ha, hiện có 12 DN hoạt động và chủ yếu thu mua nông sản theo mùa vụ, chưa có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc NĐT lớn. NĐT thuê đất của KKT chủ yếu làm nơi chứa hàng tiêu dùng, hàng nông sản…
Hiện tại, cơ sở hạ tầng tại KKT còn rất khiêm tốn, đường quốc lộ 13 đang thi công dở dang, ngay cả hệ thống điện, nước cũng chưa hoàn thiện. Theo UBND tỉnh Bình Phước, năm 2013 có 41 DN nộp hồ sơ xin giao đất làm dự án, đến nay đã có 16 DN thuê đất, với tổng diện tích là 38,8 ha. Còn cả nghìn héc-ta đất trống vẫn chờ DN đến đầu tư, trong khi dân thiếu đất canh tác…
Có thể nói, Bình Phước đang để lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất. Để có hàng chục nghìn héc-ta đất làm các KCN như hiện nay, thì cũng chừng đó diện tích cao-su, điều, cây ăn trái và hoa màu… đang thu hoạch hiệu quả thì bị chặt bỏ.
Do quá ít NĐT, vì vậy hàng nghìn ha đất đỏ màu mỡ lỡ giải tỏa, nay thành những đồng cỏ bất đắc dĩ. Chưa có thống kê thiệt hại nhưng chỉ tính mỗi héc-ta khoai mì thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, thì Bình Phước đã mất một số tiền lớn. Ngoài ra, còn hàng trăm lao động sống bằng nghề cạo mủ cao-su, hàng nghìn nông dân mất đất cũng lâm vào cảnh không có việc làm, xáo trộn đời sống xã hội.
Xót xa lãng phí đất
Việc hàng nghìn héc-ta đất ở các KCN tại Bình Phước chờ NĐT nhiều năm qua, gây lãng phí thì ai cũng rõ, cũng xót xa. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, thì về so sánh cạnh tranh Bình Phước cũng bất lợi do nằm sát Bình Dương – nơi có nhiều KCN, hạ tầng, nguồn nhân lực… tốt hơn hẳn.
Đó là chưa nói tiềm lực kinh tế của Bình Phước còn yếu, mà đầu tư thì dàn trải, nên khó phát huy hiệu quả. Đại diện NĐT hạ tầng KCN Tân Khai I cho biết, việc chưa triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng vì khu đất được giao chưa giải phóng xong mặt bằng.
Tại KCN Minh Hưng III, nhiều hạng mục công trình vẫn ngổn ngang, dang dở, chưa biết khi nào hoàn thiện hạ tầng. Mặc dù có cam kết tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2011 và hoàn thành vào năm 2015, nhưng theo đánh giá của Ban quản lý các KCN, phần lớn các nhà đầu tư hạ tầng KCN không thực hiện đúng cam kết. Riêng KCN Sài Gòn – Bình Phước đã “tháo chạy” hoàn toàn.
Ngoài việc khó lấp đầy các KCN, do cơ sở hạ tầng chưa đầu tư đồng bộ, giải tỏa đền bù còn trở ngại, việc thiếu nguồn lao động cũng là trở ngại chính cho các nhà đầu tư vào Bình Phước. Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Bình Phước, số lao động ở vùng nông thôn làm việc tại các KCN rất ít, chỉ khoảng 4.000 trong tổng số 16.500 lao động.
Do người lao động địa phương đã quen việc tại các cơ sở chế biến nông sản, làm công cho các nông trại, thậm chí trang trại gia đình và thu nhập còn cao hơn làm trong KCN.
Trước tình hình hoạt động kém hiệu quả từ các KCN, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh theo hướng giảm quy mô của một số KCN như: KCN Minh Hưng diện tích 700 ha còn 485 ha, KCN Tân Khai diện tích 670 ha còn 600 ha… Tỉnh Bình Phước cũng đã rà soát lại các KCN, đối với những DN cam kết đầu tư nhưng chậm triển khai và đã gia hạn nhiều lần thì kiên quyết thu hồi dự án. Ban quản lý các KCN Bình Phước cho biết, đã thu hồi chủ trương đầu tư đối với Công ty TNHH Thiên Phúc Gia (KCN Tân Thành) do chậm triển khai dự án.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty cổ phần KCN Sài Gòn – Bình Phước… Đây là thông điệp mạnh, dứt khoát của Bình Phước đối với các DN cố tình chây ỳ, không đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN, hoặc có ý giữ đất chờ cơ hội kiếm lời, gây bức xúc cho người dân và làm ảnh hưởng uy tín thu hút đầu tư của tỉnh.
Việc để hàng nghìn héc-ta đất đỏ màu mỡ hàng chục năm qua, dư luận người dân đã lên tiếng về sự lãng phí này và yêu cầu, tỉnh Bình Phước cần mạnh dạn cho người dân thuê đất canh tác theo thời vụ, hoặc có kế hoạch sử dụng đất hiệu quả hơn.
(Theo Nhân dân)