Cà Mau là một trong 4 tỉnh được ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đó là một nội dung trong Quyết định số 245/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong định hướng phát triển đô thị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Cà Mau đã xác định hệ thống đô thị Cà Mau là 10 đô thị hiện hữu và 10 đô thị hình thành mới. Với mục tiêu của chương trình là từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Từng bước tập trung nguồn nhân lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ từng bước hiện đại và bền vững, tăng sức cạnh tranh giữa các đô thị trong vùng.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Trước hết tỉnh Cà Mau sẽ đầu tư phát triển 3 đô thị hiện hữu, bao gồm TP.Cà Mau (là đô thị loại II theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 6/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ), thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (là đô thị loại IV Quyết định số 1150/QĐ-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng) và thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (là đô thị loại IV theo Quyết định số 1151/QĐ-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng). Đến nay, Cà Mau đã hoàn tất khâu quy hoạch cho 3 đô thị lớn trong tương lai, trong đó TP.Cà Mau là thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đang phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2020.
Để thực hiện phát triển đô thị, các cơ quan chức năng của tỉnh đang đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình theo ngành, lĩnh vực quy hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải pháp huy động nguồn nhân lực đầu tư phát triển đô thị… Theo đó, Cà Mau sẽ thực hiện đầu tư phát triển đô thị theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư trên tất cả các lĩnh vực để đôi bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, tranh thủ từ các nguồn vốn của trung ương, vốn đóng góp của người dân và ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị Cà Mau cũng gặp nhiều khó khăn hạn chế với những thách thức to lớn như chất lượng môi trường đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch còn thấp, việc phát triển đô thị còn bị động, thiếu các chương trình, kế hoạch, ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải chưa được xử lý, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nguồn nhân lực còn thấp và thiếu...
Quy hoạch đồng bộ
Giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Cà Mau xác định hệ thống đô thị Cà Mau là 10 đô thị hiện hữu và 10 đô thị hình thành mới. |
Thời gian qua, TP.Cà Mau đã tập trung xây dựng quy hoạch không gian đô thị theo hướng mở rộng, gắn với chỉnh trang nâng cấp, nhờ đó, diện mạo của thành phố không ngừng thay đổi. Để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với môi trường, mỹ quan đô thị, đến nay, TP.Cà Mau đã quy hoạch phát triển 3 cụm - tiểu thủ công nghiệp (quy mô 419 ha), đồng thời hoàn thành việc xây dựng đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố ra khu quy hoạch tập trung.
TP.Cà Mau cũng đã hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển thành phố như: triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Quy hoạch phát triển TP.Cà Mau đến năm 2025, điều chỉnh quy hoạch phát triển TP.Cà Mau đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong năm 2014, TP.Cà Mau đang triển khai thực hiện 11 quy hoạch mới làm cơ sở quản lý xây dựng theo đúng quy hoạch, từng bước lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh việc hệ thống thông tin liên lạc, cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh đô thị, vỉa hè... được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân, TP cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày, quy mô 25 ha và xây dựng khu nghĩa trang thành phố, quy mô 53 ha qua chương trình kêu gọi đầu tư; triển khai nhiều chương trình xây dựng, cải tạo, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là các dự án cải tạo nhà ở ven sông, kênh, rạch; đã đầu tư xây dựng hoàn thành một đoạn khu dân cư bờ kè phường 2, một số tuyến dân cư dọc kênh rạch đã có quy hoạch đang và sẽ triển khai. Hiện nay, TP cũng đã hoàn thành xây dựng bờ kè dọc sông Cà Mau (đoạn từ cầu Cà Mau đến cầu Phan Ngọc Hiển) và tiếp tục triển khai đoạn từ cầu Phan Ngọc Hiển đến cống Cà Mau.
Cùng với việc đầu tư phát triển đô thị Cà Mau, 2 đô thị động lực còn lại của tỉnh là thị trấn Sông Đốc - huyện Trần Văn Thời và trị trấn Năm Căn - huyện Năm Căn đang được UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở cho định hướng phát triển đô thị, thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau khoá XVI và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2010-2015 của tỉnh.
Hiện hệ thống giao thông TP.Cà Mau đã gắn kết với các tuyến giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 63 đoạn qua thành phố, nối dài đến Khu công nghiệp khí - điện - đạm, là những tuyến vận tải đường bộ quan trọng mang tính chất quốc gia. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư xây dựng tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, giúp kết nối TP.Cà Mau với TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam là tuyến đường bộ quốc tế nối các khu vực kinh tế quan trọng của ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan có điểm đầu tại cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang) và kết thúc tại TP.Cà Mau (1 trong 4 đô thị động lực của vùng ĐBSCL). Trong thời gian tới, Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng các tuyến đường tránh Quốc lộ 1A, Quốc lộ 63, đường Vành đai Tây Nam... góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển giao thông đường bộ của tỉnh. |