Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tp.HCM: Nghịch lý phố thuộc... ấp

Cập nhật: 26/08/2013 11:25

Không ít ấp thuộc các xã ngoại thành Tp.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh. Về kết cấu hạ tầng và trình độ dân trí thì những ấp, những làng này đã vượt xa khỏi tầm kiểm soát của bộ máy chính quyền xã. Tuy vậy, những địa phương này hiện tại vẫn đang bị bó buộc trong "chiếc áo" hành chính như các xã nông thôn khác.

"Áo mặc" không đúng cỡ

Những chung cư cao chót vót đi kèm với các công trình công cộng hiện đại, những dãy nhà liền kề được thiết kế đồng bộ về kiến trúc nằm san sát nhau, những cung đường được phân làn, trồng cây xanh rợp bóng mát..., đó là bộ mặt sơ bộ của ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Dù chỉ là ấp thuộc xã nhưng nếu so sánh thì không hề thua kém các phường, quận khác ở trong thành phố. Bởi xét về diện tích, ấp 4B rộng 150 ha, gấp 1,5 lần diện tích phường Bến Thành (quận 1). Còn số dân hơn 6.000 người, xấp xỉ dân số của cả xã Bình Lợi cùng huyện. Trong địa phận ấp 4B có khu dân cư Trung Sơn (khu đô thị đầu tiên của Tp.HCM), khu dân cư - biệt thự Him Lam, Vạn Thịnh Phát, Sadeco..., dự án Bệnh viện Mắt TP, cả khu trung tâm TDTT Tân Trung Sơn. Tính sơ còn có hơn 200 trụ sở công ty, cửa hàng, quán ăn trên khắp các tuyến đường.

Chịu chung cảnh ngộ "áo mặc không đúng cỡ" với ấp 4B là ấp 2, xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn). Bởi ấp này về mặt hành chính là ấp nông thôn nhưng chỉ lác đác một, hai nhà còn ruộng, vườn để làm nông nghiệp. Còn lại nhìn sơ bộ cả ấp sẽ thấy toàn là nhà cao tầng nằm san sát, lúc nào cũng sầm uất bởi việc kinh doanh cửa hàng, quán ăn, đồ điện, điện thoại di động, cửa hàng xe gắn máy, trụ sở công ty... Một người dân cho biết, nếu đi trên quốc lộ mà không có biển chỉ dẫn đây là xã thì ai cũng sẽ nhầm tưởng đang đứng ở một đô thị nào đó.

Ngay cả khu đô thị hiện đại bậc nhất cả nước như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng đang khốn khổ bởi "chiếc áo" hành chính chật chội. Tại khu đô thị này, ngoài việc chịu sự quản lý của ban Quản lý khu Nam, do địa bàn rộng nên còn chịu sự chia cắt quản lý bởi UBND phường Tân Phong và UBND phường Tân Phú, quận 7. Nhiều ý kiến đề xuất khu đô thị này nên có bộ máy quản lý hành chính riêng. Việc cư dân Phú Mỹ Hưng và ban quản lý khu mâu thuẫn gay gắt về việc truy thu tiền sử dụng đất dẫn đến bế tắc là một trong nhiều thí dụ về sự bất hợp lý trong việc quản lý nhà nước các khu dân cư mới này.

Là xã nông nghiệp nhưng xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh chỉ còn khoảng 200 ha là đất nông nghiệp trên tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1.372 ha, phần lớn là khu dân cư hiện hữu và các dự án khu dân cư mới hình thành. Số dân toàn xã là 66.065 dân, với 14.589 hộ dân nhưng trong đó diện thường trú chỉ chiếm 20,8%, còn lại là diện KT2, KT3, KT4. Thời gian tới, hàng loạt khu dân cư mới hình thành ở khu nam thành phố thì dân số sẽ tiếp tục tăng, áp lực về quản lý hành chính của chính quyền địa phương sẽ nặng nề hơn. Mặt khác, hầu hết người dân chuyển sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. "Do tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ chế quản lý hành chính của xã không còn phù hợp, vượt quá tầm quản lý của chính quyền địa phương" - Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Văn Hồng than thở.

Ði tìm mô hình quản lý thích hợp

Trước tốc độ phát triển đô thị nhanh mà trình độ quản lý cấp huyện không theo kịp, mới đây UBND huyện Bình Chánh đã kiến nghị thành phố cho phép huyện này thành lập thị xã Bình Chánh. Lý do là rất nhiều xã của huyện này có tỷ lệ đô thị hóa gần như 100% nhưng không thể thành lập phường vì trực thuộc huyện. Cơ chế quản lý cũng như tổ chức bộ máy của xã không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, môi trường, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc thành lập thị xã Bình Chánh sẽ góp phần bảo đảm sự hài hòa trong công tác quản lý tại các xã đô thị hóa và các xã thuần nông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có, phát huy thế mạnh về vị trí địa lý trong việc kêu gọi đầu tư.

Phó trưởng phòng tổng hợp Viện Nghiên cứu và phát triển Tp.HCM thạc sĩ Võ Thị Ngọc Anh cũng cho rằng, câu chuyện về sự quá tải trong quản lý hành chính ở các xã đô thị hóa tại thành phố... chính là một minh chứng cho sự bất cập vì dùng chung một thước đo đánh giá công việc của bộ máy hành chính của tất cả các địa phương. Các xã đông dân như Bình Hưng, Vĩnh Lộc mà vẫn áp dụng một khuôn mẫu về chính quyền như các xã bình thường khác thì không ổn, khó khăn là tất yếu. Tuy nhiên, thể chế pháp lý hiện nay chưa cho phép địa phương có những thay đổi theo đặc thù của mình, từ biên chế xã, phường đến những phòng, ban, bộ phận từ trên xuống dưới ở tất cả các địa phương đều theo một mô hình. Ðiều này rõ ràng là không phù hợp.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, hiện nay trong đề án xây dựng chính quyền đô thị Tp.HCM đã đưa ra hướng TP sẽ có bốn khu đô thị vệ tinh: đông, tây, nam, bắc. Sở dĩ phải có bốn TP vệ tinh là bởi thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một siêu đô thị trong nay mai. Nên chia một thành phố quá lớn thành những thành phố nhỏ hơn để dễ quản lý.

Quy mô một triệu dân sẽ dễ quản lý hơn mười triệu dân. Với đề án này, chính quyền đặt mục tiêu phục vụ nhân dân lên hàng đầu, chăm lo lợi ích của người dân. Sẽ không có chuyện người dân tới trụ sở làm việc của chính quyền mà không biết gặp ai. Bên cạnh đó, mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp thay đổi quan điểm về công vụ, không để tình trạng một việc lại có nhiều cấp cùng làm.

Theo TS Trần Du Lịch, sắp tới, với mô hình chính quyền đô thị, các sở, ngành không chỉ là đơn vị tham mưu mà thật sự là đơn vị quản lý nhà nước. "Thay vì tất cả mọi việc đều dồn lên UBND thành phố như hiện nay thì bốn thành phố trực thuộc sẽ phát huy tiềm lực của từng thành phố, chính quyền gắn bó với dân hơn, các phúc lợi công cộng phát triển nhiều hơn" - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

(Theo Nhân dân)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM