Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

1.000 siêu thị cho Hà Nội: "Cuộc chơi ngông" của đại gia BĐS?

Cập nhật: 17/09/2014 10:06

Theo Ths Bùi Ngọc Sơn - trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, việc xây dựng 1000 siêu thị thực chất là trò chơi BĐS, thâu tóm những vị trí bất động sản “vàng”, không phải là sự phát triển kinh tế xã hội thông thường.

"Cuộc chơi ngông"

Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng, bản Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại và 595 chợ dân sinh thực chất là trò chơi bất động sản, dùng lập luận này để thâu tóm những vị trí bất động sản vào tay của một vài kẻ có thế lực không phải là sự phát triển kinh tế xã hội thông thường.

“Bất động sản trong một thời gian dài phát triển bùng nổ, méo mó, kiếm được quá nhiều lời nên đang phải đi tìm đất đặc biệt khu đất vàng trong khu vực nội đô. Cách làm này không mới nhưng để nhìn ra không phải ai cũng thấy. Theo đó, sẽ là dọn những công trình công cộng như nhà trẻ, chợ… đi ra chỗ khác. Sau đó, xây nhà cao tầng, các quầy sạp giá cao khiến các tiểu thương buôn bán tại chợ lại phải chạy ra chỗ khác, các tầng sẽ được cho thuê làm văn phòng, dịch vụ”, Ths Bùi Ngọc Sơn nói.

Bản Quy hoạch cũng quy định trong số 999 siêu thị bao gồm 23 siêu thị hạng một (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba. Trong đó, vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba; vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba.

Đồng thời, cũng yêu cầu không xây mới các chợ ở khu vực nội đô, nâng cấp cải tạo chợ hiện có diện tích trên 3.000m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm; chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất chợ dưới 1.000m2 thành siêu thị hạng 2.

Khu vực nội đô sẽ nâng cấp chợ thành siêu thị, trung tâm thương mại

Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, nếu thật sự muốn làm thì khi được thành phố cho phép xây, nâng cấp chợ thành những trung tâm thương mại, ở những tầng dưới trả lại sàn cho các hộ kinh doanh được quyền vào và chỉ mất một mức phí nhỏ đóng trong 3-4 năm, bất động sản ăn từ tầng trên lên.

“Theo bản quy hoạch, đất xây siêu thị, trung tâm thương mại sẽ nhắm vào các vị trí đẹp, ở dưới nói làm siêu thị nhưng bên trên làm văn phòng cho thuê và dịch vụ. Các vị trí này mới lấy được, mang danh của thành phố, thành phố phê duyệt vẫn làm chợ văn minh nhưng trên cao cho thuê”, Ths Bùi Ngọc Sơn nói.

Đồng quan điểm, GS TS Đặng Đình Đào nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cũng nói: “Thực chất đây là dự án chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê không phải chợ. Cũng giống như hình thức nội thành chuyển trường đại học, bệnh viện ra rồi sau đó dùng chỗ trống đó đáng ra phủ xanh nhưng lại chồng lên những dự án cho thuê, đi ngược lại sự phát triển. Mục tiêu cuối cùng hướng tới là bất động sản, không thể gọi là siêu thị nhưng lại là dạng đầu tư khác”.

GS TS Đặng Đình Đào, để xóa toàn bộ hệ thống chợ như hiện nay là đi ngược lại với phát triển bền vững của thành phố. đáng ra nếu giải phóng chợ truyền thống phải thay thế bằng công viên, cây xanh, bệnh viện, trường học chứ không phải đại siêu thị hay chung cư cao cấp. Bài học từ Chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da chợ truyền thống không ra chợ truyền thống.

Doanh nghiệp nội muốn tồn tại phải cạnh tranh

Vấn đề nguồn vốn thực hiện quy hoạch này theo Quy hoạch là khoảng 521.000 tỷ đồng, chủ yếu được huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước. Trong khi có thực tế hiện nay là các siêu thị, trung tâm thương mại của doanh nghiệp trong nước đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Lotte, Big C, E-Mart Co, Aeon, Auchan, B'mart (BJC)... với lượng hàng hóa từ doanh nghiệp Việt sản xuất cũng chiếm số lượng nhỏ.

xây trung tâm thương mại ở Hà Nội
Chợ truyền thống nâng cấp thành trung tâm thương mại, cho thuê tổ chức
đám cưới sự kiện

Dư luận lo ngại về việc mở rộng, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, người Hà Nội mua sắm trên đất Hà Nội nhưng là mua từ ông chủ nước ngoài và hàng nước ngoài, GS TS Đăng Đình Đào cho biết, theo cam kết của Việt Nam với WTO, nước ngoài được đầu tư vào, giai đoạn đầu chủ yếu là bán buôn giờ là bán lẻ. nếu hệ thống bán lẻ nước ngoài vào hàng hóa chất lượng cạnh tranh là điều tốt cho Hà Nội và nhiều địa phương.

“Còn sản xuất trong nước của các doanh nghiệp trong nước, sau này trong nước sẽ là nguồn cung ứng cho các siêu thị và điều này đặt ra vấn đề các doanh nghiệp trong nước cần phải vươn lên nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà”, GS TS Đặng Đình Đào nói.

Ngoài ra, cũng theo GS TS Đặng Đình Đào, siêu thị bán lẻ hiện đại là cần thiết đối với Hà Nội tuy nhiên quy hoạch hệ thống siêu thị trong đó có đại siêu thị ở mức 1.000 siêu thị thay thế toàn bộ trung tâm nội thành, chợ truyền thống như hiện nay là hơi vội vàng và nói chung các cấp TP Hà Nội nên xem xét lại. Vì nó không phù hợp với thực tế.

GS nói: “Đáng ra Hà Nội nên quy hoạch trước 1 bước hệ thống logistic còn nếu không làm được như vậy 1000 siêu thị đó sẽ dẫn đến vấn đề công suất sử dụng, vấn đề giao thông đô thị, môi trường đô thị có vấn đề. Vì đi trước 1 bước để giải quyết vấn đề nguồn cung cho hệ thống bán lẻ như thế nào. Không thể siêu thị mọc lên nhưng nguồn không kiểm soát, thống nhất được”.

(Theo Đất Việt)
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM