Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Bất động sản khu Đông Hà Nội có “nóng” như lời đồn?

Cập nhật: 04/10/2022 13:38

Gần 90% nguồn cung mới cùng những đại đô thị đổ dồn về khu Đông Hà Nội trong những tháng cuối năm đang khiến khu vực này trở thành tâm điểm trên thị trường bất động sản Hà Nội. Tuy nhiên, điều nhà đầu tư quan tâm liệu bất động sản khu Đông có thể có sóng trong thời gian tới.

15 năm đầu tư bất động sản, chia sẻ với chúng tôi chị Phạm Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng thời gian qua thị trường địa ốc khu vực phía Đông biến động không ngừng và chứng kiến những cơn sốt cục bộ chưa từng có. “Đặc biệt, từ khi xuất hiện những đại đô thị với diện tích lên đến cả nghìn ha đã biến khu Đông từ vùng đất bị bỏ quên trở thành một cực tăng trưởng mới của bất động sản Hà Nội”, chị Hoa cho biết.

Là người dạn dày kinh nghiệm với bất động sản Hà Nội, ông Vũ Cương Quyết – Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cũng phải thừa nhận trong 3 năm vừa qua bất động sản khu Đông tăng trưởng chóng mặt đến mức khó tin nổi. Đặc biệt, có thời điểm giá nhiều khu vực tăng gấp đôi, gấp ba.

Khảo sát thực tế cho thấy, tại Long Biên, Gia Lâm giá BĐS ở các tuyến đường chính đã tăng gấp đôi so với cách đây 3 năm. Hiện giá đất khu vực phố Thạch Cầu có giá 30-40 triệu đồng/m2, đất phường Ngọc Thuỵ ngõ 2-3m ở mức 30-50 triệu đồng/m2, mặt tiền đường chạm ngưỡng 70-100 triệu đồng/m2. Khu vực Đông Dư (Gia Lâm) hiện ở mức 40-55 triệu đồng/m2.

Không chỉ đất nền, giá bán của các loại hình bất động sản khác ở khu vực phía Đông như shophouse, chung cư, biệt thự, nhà liền kề…cũng liên tục lập mặt bằng mới. Biệt thự tại Vinhomes Riverside đến nay đã tăng đến vài lần so với giá gốc, hiện đạt mức trung bình 300 triệu/m2, có căn lên tới 400 triệu đồng/m2, đắt hơn cả những mảnh đất ở nhiều phố chính của Hà Nội. Biệt thự, liền kề, shophouse tại Vinhomes Ocean Park 1 mở bán 2018 đến 2021 cũng đã tăng 2-3 lần.

Giải thích sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản khu Đông Hà Nội, các chuyên gia cho biết sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng và sự hình thành của các dự án bất động sản quy mô lớn cả về diện tích lẫn tiện ích đang tạo nên diện mạo đô thị khu vực phía Đông. Đây cũng là lý do chỉ trong 3 năm qua, BĐS khu Đông chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các "đại gia" trong ngành như Vinhomes, Ecopark và những cái tên mới gia nhập như Masterise, Sunshine,…

Cùng với đó, các nhà đầu tư cũng bắt đầu nhận ra khu vực phía Đông cũng có tiềm năng không kém các khu vực khác do ở rất gần khu vực trung tâm, chỉ cách quận trung tâm Hoàn Kiếm chưa đầy 3km. Từ đó, gia tăng sức hấp dẫn dịch chuyển của người dân khu vực trung tâm sang khu vực này, cũng như thu hút thêm nguồn cầu từ các tỉnh lân cận Hà Nội.

Sự bứt phá của của thị trường bất động sản khu Đông Hà Nội là rõ nét, đặc biệt quy hoạch phân khu sông Hồng được dự báo sẽ tạo nên cuộc dịch chuyển của thị trường bất động sản về phía đông Hà Nội. Tuy nhiên, điều nhiều nhà đầu tư quan tâm liệu giá khu vực này có tiếp tục tăng trong thời gian tới và cơ hội cho nhà đầu tư có còn hay không?

Theo chia sẻ của các chuyên gia, thị trường bất động sản luôn đi theo quy luật, hạ tầng phát triển đến đâu bất động sản tăng giá đến đấy. Mặc dù hiện nay hạ tầng khu Đông đã hình thành chuỗi kết nối từ các cây cầu bắc qua sông đến cao tốc Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc và các trục xương cá nhưng khu vực này vẫn còn tiếp tục những cực tăng trưởng mới.

Điển hình, cầu Vĩnh Tuy 2 vượt sông Hồng hiện đã hoàn thành đến 70%. Trong vòng 5 năm tới, nhiều cây cầu mới như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở sẽ tiếp được hoàn thành tạo nên luồng kết nối thông suốt từ vành đai 1 - vành đai 2- vành đai 3,5 đến thẳng khu Đông. Những cây cầu hình thành sẽ kéo gần khu Đông về trung tâm Hà Nội, thúc đẩy sự phát triển hai bờ sông Hồng, kéo cực tăng trưởng giá bất động sản nơi đây.

Theo nhận định của Savills, một khi các cây cầu được xây dựng xong, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được thực hiện diện mạo đô thị khu vực phía đông sẽ khang trang, đẹp mắt hơn. Từ đó gia tăng sức hấp dẫn dịch chuyển của người dân khu vực nội đô sang khu vực này cũng như thu hút thêm nguồn cầu từ các tỉnh tiếp cận Hà Nội từ phía Đông. Giá bất động sản lúc đó cũng sẽ tăng theo làn sóng di dân sang khu Đông.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giá bất động sản khu Đông sẽ tịnh tiến bền vững theo hạ tầng và tốc độ tăng dân số, khó có chuyện tăng nóng như giai đoạn vừa qua. Đối với những bất động sản để ở, giá sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi hoàn thiện khi các tiện ích sống, trường học, bệnh viện được hoàn thiện. Với hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội hoàn chỉnh, những đại đô thị này sẽ kéo người dân từ khu trung tâm cũ Hà Nội, người dân từ các tỉnh ven đô về sinh sống, tạo thành những khu vực phát triển mới.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư lúc này, các chuyên gia nhận định cho rằng chỉ nên mua bất động sản trong các dự án đầy đủ pháp lý, được quy hoạch đồng bộ bởi đây là những bất động sản mang giá trị sống gia tăng. Khi hoàn thành, những đô thị này sẽ là "thỏi nam châm" kéo làn sóng di dân của Hà Nội. Cùng với đó, các nhà đầu tư cần xác định đầu tư bền vững trong trung hạn từ 3-5 năm bởi thị trường hiện tại việc lướt sóng đã không còn mang lại hiệu quả.

Theo cafef

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM