Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

BĐS Việt Nam đang được báo Mỹ tô hồng?

Cập nhật: 05/12/2013 12:45

Tờ New York Times của Mỹ hôm 3/12 bất ngờ đăng tải một bài báo với nhận định đầy lạc quan: “BĐS Việt Nam đã thoát đáy nhờ cam kết cải tổ ngân hàng của Chính phủ”. Thực tế tình hình thị trường BĐS Việt Nam có được như vậy?

Theo thông tin trên tờ New York Times, hiện lãi suất cho vay đã giảm xuống 12,8%, so với mức 20,3% của năm 2011- một trong những nỗ lực nhằm kích thích người dân có nhu cầu mua nhà có thể vay vốn từ ngân hàng. Thậm chí, báo Mỹ còn cho rằng những dấu hiệu kinh tế vĩ mô ổn định, cùng cam kết cải tổ hệ thống ngân hàng của Chính phủ đang giúp thị trường BĐS Việt Nam “thoát đáy”.

Tuy nhiên ngược lại với nhận định của New York Times, núi tồn kho BĐS tại cả Tp.HCM và Hà Nội hiện vẫn chưa có dấu hiệu biến chuyển. Đây cũng chính là lý do các nhà đầu tư tung ra hàng loạt các chiêu giảm giá, PR hoành tráng nhằm câu khách, song người dân vẫn… lắc đầu và tiếp tục chờ đợi. Bởi thực tế, giá BĐS có giảm nhưng chỉ là giảm so với thời kỳ “sốt”, khi giá bị thổi phồng chứ chưa thực sự xuống sát với giá trị thật. Vì vậy, cho dù các nhà đầu tư BĐS có liên tục hô hào “đây là thời cơ tốt để mua nhà” thì người dân cũng không mạo hiểm đầu tư một khoản tiền lớn để mua một loại tài sản đang bị coi là “ế”. Đó là chưa kể mua nhà “đại hạ giá” cũng kèm theo nỗi lo về chất lượng tụt dốc và tình trạng bội tín của nhà đầu tư. Theo báo cáo của UBND Tp.HCM công bố hồi cuối tháng 11/2013, trong số 1.386 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, đã có tới 712 dự án “đắp mền”, 85 dự án bị thu hồi. Không chỉ vậy, gần 50% sàn giao dịch BĐS tại thành phố lớn nhất nước ta cũng bị “khai tử” vì tình hình kinh doanh ế ẩm. Tương tự, tại địa bàn Hà Nội, vẫn chưa có phép màu nào hóa giải tảng băng cho thị trường BĐS khi hầu như không có giao dịch nào bất chấp các chương trình quảng cáo chào mời của chủ đầu tư.

Có thể thấy trong cả bài báo phân tích về tin mừng “thoát đáy” của BĐS Việt Nam, New York Times chỉ đưa ra được rất ít bằng chứng. Đó là chưa kể đến “sức nặng” của những dấu hiệu mà tờ báo Mỹ đưa ra rất nhạt nhòa. Cụ thể, theo New York Times dấu hiệu tăng giá của phân khúc văn phòng của thuê tại Tp.HCM trong quý III vừa qua là một tín hiệu đáng mừng cho thấy thanh khoản và niềm tin nhà đầu tư đang dần tăng lên. Tuy vậy, thực tế giá thuê văn phòng tại Tp.HCM quý III-2013 chỉ tăng khá khiêm tốn 2% so với quý trước. Trong khi đó, theo báo cáo của Savills Việt Nam giá thuê văn phòng tại Hà Nội trong quý III-2013 tiếp tục sụt giảm, đánh dấu quý thứ 8 giảm liên tiếp.

Ngoài ra, New York Times còn dẫn chứng thêm một số nhận định rất lạc quan của các chủ đầu tư địa ốc, đưa ra những gam màu vô cùng tươi sáng về những giao dịch khá nhộn nhịp của thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian qua như “thị trường BĐS đang phục hồi tốt và có thể đảo chiều tích cực vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau” của lãnh đạo tập đoàn Vingroup hay “thị trường BĐS sẽ vẫn phục hồi dù có hay không có hỗ trợ của Chính phủ bởi cả người mua và người bán đều không thể chờ đợi quá lâu” của ông Don Lam, CEO VinaCapital... Rõ ràng, những nhận định lạc quan có chủ đích này có thể khiến nhiều người cảm thấy sửng sốt nếu vô tình đi qua những “nghĩa địa” BĐS, những công trình xây dựng đứt gánh giữa đường đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm qua… Điều đáng nói là những nhận định lạc quan trên đều được đưa ra từ những ông chủ đang bị “kẹt” quá nhiều tiền trong các dự án BĐS

Trong khi đó, dù “thổi phồng” thực trạng BĐS Việt Nam, nhưng New York Times cũng phải thừa nhận việc giải quyết các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng liên quan đến BĐS vẫn chìm trong bế tắc dù Chính phủ có thành lập thêm một công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua lại nợ xấu của các nhà băng. Đồng thời, tờ báo này cũng trích dẫn những lo ngại của một số nhà đầu tư khi cho rằng dù các doanh nghiệp BĐS có phục hồi từ đống đổ vỡ thì những khoản nợ xấu hiện tại của họ vẫn là quá lớn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng của toàn hệ thống ngân hàng có thể còn trầm trọng hơn dự tính.

Kết quả phân tích mới đây của ngân hàng đầu tư ABB Merchant Banking (Hà Nội) đối với 61 công ty BĐS và xây dựng trên sàn chứng khoán Tp.HCM cho thấy trung bình cổ phiếu các công ty này đang giao dịch dưới 30% giá trị sổ sách. Trong khi đó, Frederick Burke, Giám đốc điều hành hãng luật Baker & McKenzie tại Việt Nam, lại bày tỏ quan ngại rằng chính những thủ tục hành chính rườm rà đang cản trở đà phục hồi của thị trường BĐS. Tuy nhiên, thực tế, không chỉ riêng các thủ tục hành chính mới là nguyên nhân chính cản trở đà vực dậy của BĐS, mà còn xuất phát bởi việc các chủ đầu tư vẫn không chịu buông kịch bản than khổ, kêu lỗ để né việc giảm giá, “hạ nhiệt” thực sự cho thị trường nhà đất. Trong khi đó, chỉ có giảm giá mới là giải pháp tối ưu nhất có thể cứu được thị trường địa ốc Việt Nam “thoát đáy”.

(Theo SM)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM