Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Bộ Tài chính: Đất “vàng” lãng phí sẽ bị thu hồi, bán đấu giá

Cập nhật: 20/11/2013 07:14

Có một tình trạng báo động đã được nói đến rất nhiều lần, đó là việc hàng trăm nghìn m2 đất ở các vị trí đắc địa có giá trị lớn đang được các DN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước (tạm gọi chung là DNNN) bị chuyển mục đích hoặc cho thuê kiếm lời; có một số nhà, đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống. Bộ Tài chính cho biết, những diện tích đất, nhà mà DN sử dụng không hợp lý sẽ bị thu hồi, bán đấu giá.

Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, các DNNN đang nắm giữ khoảng 155 triệu m2 đất. Các DNNN không những được sử dụng nhiều đất, ở nơi đắc địa lại còn được ưu đãi tiền thuê đất thấp. Điều đáng nói là chiếm giữ được diện tích lớn ở những nơi "tấc đất là tấc vàng", nhưng nhiều DN không sử dụng hết nên biến thành nhà ở, cho thuê, chuyển quyền sử dụng. Có nơi nhà đất bị chiếm dụng, thậm chí có nơi còn bỏ trống. DN cổ phần hóa thì không tính đúng, tính đủ giá trị đất vào tài sản DN. Vì thế, nhiều DNNN kiếm được lợi riêng nhưng làm ngân sách thất thu hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong khi đó đã hàng chục năm nay, các DN tư nhân, các hộ sản xuất vốn đã rất khó khăn lại không có mặt bằng cho sản xuất kinh doanh.

Nhiều khu đất vẫn để hoang hoá. (Ảnh: St)

Trước thực trạng sử dụng đất lãng phí, không đúng của các DN lại, chuyển nhượng, thu hồi, di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, chuyển mục đích sử dụng được 9 triệu m2. Sau việc xử lý, sắp xếp này, sử dụng nhà, đất ở các DNNN hiệu quả hơn, nhưng vẫn còn sự lãng phí và vẫn chưa công bằng.

Chây ỳ, đối phó sẽ bị thu hồi

Ông Phạm Đình Cường - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, theo số liệu chưa đầy đủ, số thu từ sắp xếp nhà, đất là 24.812.000 tỷ đồng; từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất đã được hơn 15.000 tỷ đồng. Số tiền này để cho DN tăng đầu tư hoặc làm chi phí di dời cơ sở sản xuất… Đơn cử như Tổng công ty Thuốc lá bán và chuyển mục đích sử dụng ba cơ sở ở TP.Hồ Chí Minh, đã thu hơn 1.809 tỷ đồng dùng để di dời nhà máy ra khu công nghiệp và đầu tư chiều sâu. Tổng công ty Lương thực miền Nam thu được 727,34 tỷ đồng, đầu tư hệ thống kho chứa. Tập đoàn Dệt may thu được 259,6 tỷ đồng và dùng cho việc di dời cơ sở sản xuất và phát triển hệ thống siêu thị dệt may tại phía Nam.

Việc sắp xếp lại nhà, đất của các DNNN vừa khắc phục được hiện trạng lãng phí đất đai, tài sản nhà nước, vừa cân bằng lại mặt bằng cho các DN và bản thân các DNNN đã thực hiện việc sắp xếp lại nhà, đất cũng có lợi ích kinh tế là đã khai thác được nguồn lực từ đất để tăng vốn đầu tư. Thế nhưng, theo ông Phạm Đình Cường, "vẫn còn nhiều DN cố tình chây ỳ cố giữ đất, một số DN có rà soát, sắp xếp lại nhưng còn chậm và mang tính hình thức, đối phó". Hiện tượng này có ngay ở những DN đang nợ lớn, đang thiếu vốn để tái cơ cấu và để phát triển sản xuất kinh doanh. Ví như Tập đoàn Công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (Vinashin) nắm tới 1.200 ha chưa sử dụng song "không tự giác sắp xếp lại, không đề xuất bán để tạo nguồn, mà chỉ đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh bất động sản là xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.

"Bên cạnh đó nhiều DN chưa đăng ký sử dụng đất đai, thậm chí không thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước nhưng Nhà nước chưa kiểm tra, kiểm soát hết", báo cáo của Cục Quản lý công sản nêu rõ. Tuy nhiên, "Đến nay, khi chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã có sự thay đổi, quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản thay đổi thì sẽ có thể dẫn đến sự đổ vỡ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng", theo Cục Quản lý công sản.

Ông Phạm Đình Cường cho biết, tới đây sẽ quyết liệt sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất ở các DNNN và sẽ có giải pháp xử lý đối với những trường hợp bỏ trống, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Phần nhà, đất dôi dư sẽ cho phép bán, chuyển nhượng để tạo vốn tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Phần nhà, đất dôi dư mà DN không có phương án sử dụng hợp lý, có hiệu quả thì thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển giao cho địa phương để phục vụ cho lợi ích công cộng.

Nghĩa vụ tài chính của DN cũng phải được xem xét lại, trong đó sẽ dần từng bước xóa bỏ ưu đãi để DN quan tâm đúng mức đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thay vì các giá trị thu được từ tài sản đất.

Theo Bộ Tài chính dự báo, với biện pháp này số thu từ sắp xếp lại nhà, đất khoảng 100.000 tỷ đồng, số thu từ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và di dời theo quy hoạch hơn 18.000 tỷ đồng và số thu từ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hơn 3.800 tỷ đồng.

(Theo TBNH)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM