Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Chủ đầu tư bội tín càng khiến thị trường BĐS "hụt hơi"

Cập nhật: 15/11/2013 12:59

Tình trạng bội tín của các chủ đầu tư trong thời gian qua càng khiến thị trường BĐS thêm khốn khó đồng thời biến việc mua nhà trở thành “canh bạc” lớn đối với khách hàng.

Những tháng cuối năm thông thường vẫn được xem là thời khắc vàng cho thị trường BĐS. Hơn nữa, tranh thủ thời điểm gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn “tắc” khiến người dân nản lòng, nhiều chủ đầu tư đã tranh thủ tung ra thị trường nhiều gói kích cầu hấp dẫn. Đơn cử như mới đây, các dự án CT1B Tân Tây Đô, CT12 Văn Phú, Nam Xa La vừa được chủ đầu tư chào bán với mức giá từ 10-14 triệu đồng/m2, dự án CT2 Tân Tây Đô đã xong phần thô và đang trong quá trình hoàn thiện cũng đang rao bán với giá 12,5 triệu đồng/m2…

Đối với phân khúc cao cấp, các chủ đầu tư cũng tranh thủ bung hàng với những chiêu mời chào giảm giá. Cuối tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Kinh Đô đã mở bán dự án Discovery Complex (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 27 triệu/m2 (chưa VAT). Dự án chung cư cao cấp Golden West (Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, Hà Nội) cũng chào hàng với mức giá khởi điểm từ 22 triệu đồng/m2.

Tại địa bàn TP.HCM, công ty Địa ốc Lê Thành mới đây vừa thông báo cuối năm nay sẽ chào bán 2.000 căn hộ tại quận Bình Tân có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Không chỉ đưa dự án vào diện đủ chuẩn để tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng, công ty này còn cho biết sẽ đưa ra những chương chình hỗ trợ tài chính riêng để đẩy nhanh tiến độ bán hàng như cho khách hàng vay với lãi suất 0% trong vòng 5 năm, sau khi đóng trước 50 triệu đồng, áp dụng hình thức cho thuê trong 49 năm.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, lúc này cần phải bán hàng càng nhanh càng tốt khi nhu cầu thụ hưởng các gói ưu đãi của doanh nghiệp từ phía người mua là rất lớn. Hiện hơn 60% nhu cầu về nhà và khả năng tiếp cận nhà ở của người dân tại Tp.HCM rơi vào nhóm căn hộ dưới 70 m2 và giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn. Hơn nữa, hiện tại khi gói hỗ trợ tín dụng của nhà nước vào thị trường chưa đều đặn, nên sức cạnh tranh vẫn chưa lớn. Do đó, thay vì chờ đợi, các doanh nghiệp BĐS đã chủ động đưa ra các chương trình “độc” để kích cầu thị trường.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài “đóng băng” của thị trường BĐS, cả người mua và người bán đều đã “hụt hơi”. Trong khi doanh nghiệp vẫn đau đầu với bài toán “vượt khó” thì người mua vẫn loay hoay tìm giá trị thật của thị trường. Bên cạnh tâm lý chờ đợi những sự đột phá mới về giá cả, nhiều trái đắng trong thời gian qua về tình trạng bội tín của chủ đầu tư đã khiến niềm tin khách hàng bị tổn thương nghiêm trọng. Đa phần những vụ lùm xùm giữa người mua căn hộ tại các dự án với chủ đầu tư trong Nam xuất phát từ phía chủ đầu tư không bàn giao căn hộ đúng tiến độ, hoặc bàn giao song lại không được tương xứng với số tiền người mua bỏ ra. Đơn cử như dự án căn hộ Petro Vietnam Landmark (quận 2, Tp.HCM) không chỉ chậm trễ vài tháng so với hợp đồng mà còn kéo dài hàng năm trời. Điều đáng nói là mặc dù các chủ đầu tư đã ngưng thi công, để dự án “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm nhưng vẫn không có một lời lý giải nào với khách hàng, bất chấp hầu hết trong số họ đã đóng đến 85-100% giá trị căn hộ. Chính điều này đã tạo nên tình trạng ầm ĩ với việc hàng chục khách hàng treo băng rôn đứng trước văn phòng chủ đầu tư để đòi nhà.

Còn ở ngoài Bắc, cụ thể là tại dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội), sự việc còn nghiêm trọng hơn khi đã xảy ra xô xát giữa những người của chủ đầu tư (Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên) với một số khách hàng do tranh chấp về hợp đồng mua căn hộ như giao nhà thiếu diện tích hay chưa đủ điều kiện bàn giao… Với dự án Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), nhiều khách hàng đã phải chấp nhận bán lại hợp đồng góp vốn mua nhà cho chính chủ đầu tư với giá bèo khiến cho số tiền bỏ ra đã không thu về được đồng lãi nào, thậm chí còn bị khấu hao hầu hết. Hay như siêu dự án Daewoo Cleve từng được quảng cáo là “ngôi sao mới” trên thị trường BĐS đã được khởi công từ cuối năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào quý IV-2013 mà đến nay, sau khi làm xong được vài tầng nhà chỉ còn lại một công trường “lặng im như tờ”. Dự án CT1 Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), khởi công từ đầu năm 2010 đến nay mà ngay cả phần móng cũng còn chưa xong, khiến nhiều khách hàng bỏ tiền mua căn hộ tại dự án hao hụt niềm tin nghiêm trọng vào Công ty cổ phần Bất động sản AZ Land và nháo nhác tìm cách rút vốn, thanh lý hợp đồng, song không thể thực hiện được do không tìm được khách hàng mới mua lại. Cũng là điều tất yếu khi không ai lại muốn dính dáng đến những dự án đang bị “dính vết” như thế cả.

Rõ ràng, với những bài học nhãn tiền như trên cho dù các doanh nghiệp có tung ra vô vàn những chiêu quảng cáo hấp dẫn, khách hàng vẫn phải xác định bỏ tiền ra là phải chấp nhận tham gia vào một “canh bạc” lớn để sở hữu nhà ở.

Đánh giá về tình hình BĐS hiện nay, TS.Trần Du Lịch cho rằng hiện tại, việc vực dậy niềm tin của khách hàng không đơn giản. Do vậy, “cần hình thành một cơ chế rõ ràng, công bằng giữa bên mua và bán. Chủ đầu tư xây dựng được những quy tắc theo tinh thần chơi đẹp, công bằng sẽ không chỉ có ích cho một dự án mà còn tạo dựng được uy tín tốt trên thị trường, tạo tiền đề cho các dự án sau này phát triển theo”, TS.Trần Du Lịch nhận định. Thế nhưng, vốn “yêu cho roi cho vọt” , song nếu có sự che chở, thì một đứa trẻ hư sẽ mãi chẳng thể trưởng thành. Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đưa ra một thông điệp rõ ràng: “Không có một sự giải cứu nào hết!”, song gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn xuất hiện mà tiến độ giải ngân của nó đến nay vẫn còn được đặt trong dấu hỏi to đùng.

(Theo SM)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM