Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Cơ chế định giá đất có nhiều nhược điểm đáng ngờ

Cập nhật: 21/10/2013 10:40

Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về trình tự thủ tục của việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá đất.

Phóng viên Báo Đất Việt đã ghi nhận được những ý kiến của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những điểm đáng quan tâm trong cơ chế định giá đất hiện nay.

Thẩm quyền gắn với tư lợi?

Theo ông chính vì việc chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trình tự thủ tục của việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá đất nên mỗi một địa phương cấp tỉnh lại có quy trình quyết định giá riêng, nói chung khá khác nhau.

“Chắc chắn, theo cách làm này, thì nhiều địa phương không thể định được giá đất phù hợp thị trường”, GS Võ nói.

Thứ hai, định giá đất là một nghề chuyên môn, cần được đào tạo kỹ lưỡng. Giao cho cơ quan hành chính quyết định giá đất là một cơ chế không phù hợp. Ở các nước phát triển, người ta luôn luôn phải thuê dịch vụ định giá đất độc lập để đề xuất giá đất phù hợp thị trường.

Thứ ba, hiện nay pháp luật Việt Nam trao thẩm quyền quyết định về đất đai (giao đất, cho thuê đất) và quyết định giá đất cho cùng một cơ quan nhà nước là UBND cấp tỉnh. Điều này dễ dẫn tới khó kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền gắn với tư lợi.

“Kinh nghiệm ở nhiều nước, thẩm quyền quyết định về đất đai và giá đất nên trao cho hai cơ quan nhà nước độc lập với nhau. Thứ tư, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở Việt Nam luôn ghi giá đất thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Từ đây khó tìm được những chứng cứ về giá đất thị trường”, GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Theo ông Võ: khó kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền gắn với tư lợi.

Làm lợi cho người này, hại người khác

Theo ông Võ, giá đất rất quan trọng vì có thể làm lợi cho người này và làm hại cho người khác. Luật 2003 mới làm được một việc quan trọng là pháp luật thừa nhận giá đất trên thị trường, chưa tạo ra được một quy trình hợp lý về Nhà nước quyết định giá đất.

Do vậy, GS Võ cho rằng nhiệm vụ này chính là nhiệm vụ trọng tâm của Luật Đất đai sắp tới. Để có được một cơ chế quyết định giá đất hợp lý, Luật mới cần khắc phục được 4 nhược điểm nói trên.

Còn TS. Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng định giá đất là một nghiệp vụ, phải có những người tinh thông mới làm được nhưng ở Việt Nam lại giao việc này cho cấp huyện, khi gặp việc họ giao phòng tài chính là việc, những người làm lại là công chức, họ chỉ làm trong giờ chính quyền, khi họ có kinh nghiệm thì lại luân chuyển vị trí khác…

“Thực ra công việc này nên giao cho những công ty tư vấn chuyên nghiệp chứ giao cho công chức, khi họ giỏi họ thăng chức thì lại phải bắt đầu lại từ đầu. Trong khi, doanh nghiệp thì họ bất kể ngày đêm làm việc. Có thể vẫn giao cấp huyện nhưng với vai trò giám sát, ký hợp đồng, còn định giá thì để cho người chuyên nghiệp làm”, TS Liêm nói thẳng.

Ông còn nêu ví dụ minh họa: chẳng hạn con đường đi qua hai huyện, mỗi huyện làm một khác. Trong khi giao cho một công ty tư vấn thì họ sẽ làm thống nhất cả hai bên. Chứ hai huyện làm mà khác nhau thì sẽ này sinh mâu thuẫn, khó phối hợp. “Tôi nghĩ cần nhanh chóng thành lập những công ty tương tự như vậy”, TS Liêm nói.

(Theo ĐVO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM