Đại dịch Covid-19 tái bùng phát khiến giới đầu tư bất động sản tiếp tục lao đao. Nhiều nhà đầu tư gặp khó về dòng tiền, không còn sức cầm cự trước sự trở lại lần 2 của dịch bệnh, buộc phải tìm cách bán tháo bất động sản, chấp nhận lỗ để xoay vòng vốn, trả nợ ngân hàng.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Huyền đã quyết định rao bán căn nhà mặt phố ở Hoàn Kiếm (Hà Nội). Năm 2017, ông vay ngân hàng một lượng tiền không nhỏ để mua căn nhà với giá 35 tỷ. Khi mua, căn nhà vẫn đang trong hợp đồng thuê dài hạn với giá 120 triệu đồng/tháng. Khoản tiền từ việc cho thuê giúp ông gánh được một phần tiền gốc và lãi ngân hàng hàng tháng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm, kinh doanh khó khăn, người thuê buộc phải trả mặt bằng trước hạn vào đầu tháng 4.
Cũng thời điểm này, do dịch bệnh, công ty du lịch của ông phải tạm dừng hoạt động. Ông Huyền khốn đốn với việc vay nợ người thân, bạn bè để trả gốc và lãi ngân hàng. Giữa tháng 7, căn nhà phố có khách đặt vấn đề thuê. Thế nhưng Covid-19 bùng phát lần 2 và mọi thứ một lần nữa đảo lộn. Khách bỏ ý định thuê mặt bằng. Đến lúc này thì ông Huyền không còn khả năng chống đỡ trước áp lực lãi vay. Ông buộc đã phải rao bán căn nhà mặt phố mà thời điểm mua ông dự tính sau khi trả hết nợ, đó sẽ là khoản thu nhập thụ động về già ổn định của ông.
Đại dịch Covid-19 tái bùng phát khiến giới đầu tư bất động sản tiếp tục lao đao
(ảnh minh họa, nguồn internet)
Cũng bi đát không kém, ông Phạm Hưng Trọng, chủ một khách sạn khu vực phố cổ Hà Nội đã khấp khởi mừng thầm khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát sau giai đoạn giãn cách xã hội hồi tháng 4. Suốt thời gian dài sau Tết, khách sạn của ông không có khách vì dịch bệnh. Sau khi nhịp sống Hà Nội trở lại bình thường, dù không có khách quốc tế nhưng nguồn cầu từ khách nội địa vẫn giúp ông duy trì được quá trình vận hành khách sạn. Thế nhưng dịch Covid bùng phát lần 2, khách sạn của ông mới vực dậy được 2 tháng và vẫn đang phải bù lỗ, tiếp tục rơi cảnh thua lỗ. Đến lần này, ông Trọng cho biết, ông đã kiệt quệ vì nợ nần. Ông đã làm việc với môi giới về việc rao bán khách sạn nhưng việc rao bán tòa khách sạn có giá trị cả trăm tỷ đồng trong bối cảnh này không đơn giản. Ông biết mình hoàn toàn có thể bị người mua ép giá.
Trong khi đó, ông Mai Lâm đầu tư 2 mặt bằng kinh doanh gần khu công nghiệp ở Đông Anh (Hà Nội). Một mặt bằng kinh doanh ông cho hàng cơm thuê, mặt bằng còn lại là cửa hàng quần áo. Nguồn khách của 2 mặt bằng này là lượng công nhân đông đảo làm việc tại khu công nghiệp. Thế nhưng dịch bệnh khiến lượng công nhân tại khu công nghiệp sụt giảm do nhiều nhà máy cắt giảm nhân sự hoặc phải đóng cửa. Nguồn cầu của các mặt bằng kinh doanh tất yếu cũng giảm theo. Đợt dịch Covid-19 lần 1, ông đã giảm 30% giá thuê trong 3 tháng cho cả 2 mặt bằng này. Thế nhưng đến đợt dịch lần 2 bùng lại, dù mặt bằng vẫn đang trong giai đoạn giảm giá và ông Lâm bày tỏ thiện chí sẵn sàng giảm giá 30% cho đến hết năm nhưng cả 2 người thuê vẫn quyết định trả do ít khách, thu không đủ chi. Hiện ông Lâm đang để trống cả 2 mặt bằng và không biết khi nào sẽ có người thuê lại. Ông đang tính bán lại cả 2 mặt bằng bởi việc trả lãi ngân hàng hàng tháng khi đầu tư hai mặt bằng này đang vượt quá khả năng chi trả của ông.
Không chỉ giới đầu tư nhà phố, mặt bằng bán lẻ lao đao vì Covid-19 tái bùng phát mà cả homestay, đặc biệt là homestay phố cổ, nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp trả nhà. Chị T.T. Phương, chủ một homestay phố cổ đã quyết định trả căn nhà thuê khi dịch bệnh bùng lại. Chị đã cầm cự một thời gian dài từ sau Tết và đến đầu tháng 8 thì quyết định trả nhà trước thời hạn dù rất tiếc số tiền đã đổ ra cải tạo không gian. Nhưng càng giữ, chị càng sa lầy vào nợ nần, thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Hải Phòng (Đống Đa, Hà Nội), một môi giới kiêm nhà đầu tư thì Covid-19 tái phát tiếp tục đẩy thị trường bất động sản rơi vào thực trạng chồng chất khó khăn. Và hiện tượng bán tháo, cắt lỗ, giảm giá là tất yếu với những nhà đầu tư tiềm lực tài chính mỏng, phải sử dụng đến đòn bẩy tài chính. Theo ông Phòng, có lẽ chỉ đến khi có vaccine thì tình hình mới thực sự khởi sắc.
Theo ThanhnienViet