Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Đà Nẵng: Đầu tư mua căn hộ để cho thuê

Cập nhật: 27/11/2013 06:23

Có nhiều khách hàng tìm đến thị trường BĐS Đà Nẵng với nhiều nhu cầu khác nhau. Có người mua nhà để ở, có người sở hữu để cho thuê, có nhà đầu tư “chê” lãi suất tiết kiệm thấp, bỏ tiền mua căn hộ chờ cơ hội giá lên, bán ra để kiếm lời.

=> Đà Nẵng: Phân khúc BĐS du lịch hấp dẫn khách hàng

=> BĐS Đà Nẵng: Nhà phố đang "ngược dòng"

Trong lúc đất nền chưa “gượng dậy”, thị trường căn hộ tại Đà Nẵng thời gian gần đây bỗng “ấm” lại do nhu cầu vay tiền ngân hàng để mua căn hộ cho thuê lan rộng. Đây là một phương án kinh doanh khả thi trước viễn cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang kế hoạch quay lại thành phố này.

Khách hàng tìm đến thị trường căn hộ tại Đà Nẵng với nhiều nhu cầu khác nhau

Ngân hàng vào cuộc

Trong vai người vay vốn, chúng tôi gọi điện thoại đến ngân hàng MB trên đường 30/4. Khi trình bày nhu cầu vay mua căn hộ tại Đà Nẵng, chị H.L cho biết, ngân hàng này sẽ cho khách hàng vay khoảng 70% giá trị căn hộ. Thời gian cho vay phụ thuộc vào thu nhập của gia đình, trung bình 10 năm, tối đa là 20 năm. Tài sản thế chấp cho món vay là căn hộ đã mua, đây là phương thức đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay đã được nhiều ngân hàng thực hiện trong thời gian qua.

Khi đề cập đến lãi suất, nhân viên tín dụng ở đây cho biết, mức mời chào được ngân hàng MB đưa ra 6 tháng đầu tiên là 8%/năm; 18 tháng tiếp theo, lãi suất thả nổi theo nguyên tắc, lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động tiết kiệm 24 tháng (trả lãi sau) cộng với biên độ cố định là 3,5%/năm.

Bắt đầu tháng thứ 25 trở đi, lãi suất thả nổi theo nguyên tắc, lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động tiết kiệm 24 tháng (trả lãi sau) cộng với biên độ cố định là 5,7%/năm. Lãi suất huy động tiết kiệm hiện tại (24 tháng trả lãi sau) là 8,5%/năm, với công thức này, lãi suất cho vay điều chỉnh lần 1 sẽ là 12%/năm, lần 2 là 14,2%/năm.

Qua trao đổi với một số nhân viên ngân hàng tại Đà Nẵng, thủ tục, hồ sơ của loại hình vay vốn mua căn hộ tương đối dễ dàng. Bản thân các ngân hàng cũng đã ký kết hợp đồng vay vốn trước đó với chủ đầu tư căn hộ. Số tiền giải ngân cùng số vốn tự có sẽ chuyển khoản thẳng vào tài khoản của người thụ hưởng, tránh trường hợp sử dụng vốn sai mục đích hạn chế rủi ro trong cho vay. Ngoài ra, sự hợp tác giữa ngân hàng và chủ đầu tư cũng khiến cho người có nhu cầu yên tâm hơn khi tiếp cận vốn vay.

Hiện nay, mức giá bình quân căn hộ tại HAGL từ 1,215 đến 1,651 tỷ đồng. Theo quy định của ngân hàng, với mức vay 70% giá trị căn hộ, người vay tiền phải đảm bảo số vốn còn lại là 30%. Cơ cấu vốn tham gia như vậy được xem là tạm ổn, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể tiếp cận được phân khúc căn hộ trung bình tại Đà Nẵng.

Có nhiều khách hàng tìm đến thị trường này với nhiều nhu cầu khác nhau. Có người mua nhà để ở, có người sở hữu để cho thuê, có nhà đầu tư “chê” lãi suất tiết kiệm thấp, bỏ tiền mua căn hộ chờ cơ hội giá lên, bán ra để kiếm lời.

Người vay tiền mua căn hộ nói gì?

Trao đổi với một khách hàng K.P (Phường Hòa Cường – Đà Nẵng), người đầu tư tới 3 căn hộ tại đây và đã cho người nước ngoài thuê. Chị bộc bạch, với mức cho thuê 11 triệu đồng/tháng đối với căn hộ 3 phòng ngủ (117 m2), nhà đầu tư đủ sức trả lãi ngân hàng trong một thời gian dài. Chị chiết tính, với 1 căn hộ loại 2 phòng ngủ (giá khoảng 1,3 tỷ đồng), tiền vay ngân hàng trung bình 900 triệu đồng, lãi phải trả hàng tháng 6 triệu đồng/tháng (6 tháng đầu), 9 triệu đồng/tháng (18 tháng tiếp theo) và 10,65 triệu đồng (kể từ tháng 25 trở đi).

So sánh tiền thu được cho thuê nhà và tiền lãi vay phải trả, chị K.P vẫn ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, tính cả vốn tự có 400 triệu đồng (với lãi suất tiết kiệm 8%/năm), nhà đầu tư vẫn không có lợi nhuận bao nhiêu. Ngược lại, họ kỳ vọng, khi trả dần số tiền gốc bằng các khoản thu nhập khác, trong tương lai, gia đình họ sẽ sở hữu được một căn hộ cao cấp sau thời gian cho thuê.

Về nhu cầu thuê, vài nhà đầu tư căn hộ ở Đà Nẵng cho biết, khách thuê đa số từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines và cả người Việt công tác tại Đà Nẵng. Tuy nhiên thời gian thuê ngắn (từ 6 đến 12 tháng), người cho thuê rất hiếm ký được một hợp đồng dài hạn trên 1 năm.

Nhu cầu thuê nhà rất nhiều, có nhiều trường hợp rất hấp dẫn, vừa ký hợp đồng mua căn hộ vừa ký kết luôn hợp đồng cho thuê nhà. Một vài nhân viên môi giới căn hộ khuyến khích những người có dự định đầu tư để cho thuê vì họ đang có nhiều khách từ nước ngoài đến Đà Nẵng tìm thuê nhà.

Khi hỏi về rủi ro trong quá trình thực hiện phương án mua căn hộ cho thuê, một người môi giới bất động sản cho biết, rủi ro cơ bản của kiểu đầu tư này là “đầu ra” của thị trường thuê nhà. Nhiều khi tìm được “mối” cho thuê, nhà đầu tư vội vàng mua căn hộ, ký kết hợp đồng cho thuê với thời gian 1 năm. Tuy nhiên, bước sang năm thứ 2, mặc dù đã “đánh tiếng” rất nhiều người nhưng vẫn không tìm được người thuê nhà, đành phải đóng cửa, chờ cơ hội khác.

Thông thường các hợp đồng cho thuê nhà theo dạng này khoảng 12 tháng, người thuê nhà phải nộp tiền 3 tháng 1 lần, đồng thời đặt cọc 1 tháng. Trong trường hợp bên thuê nhà không thực hiện đúng hợp đồng thuê nhà, họ sẽ mất số tiền đặt cọc này. Ngược lại, chủ nhà phải đôn đáo tìm người cho thuê. Để tìm được người thuê nhà, nhà đầu tư căn hộ phải thông qua môi giới cá nhân hoặc một doanh nghiệp. Số tiền chi hoa hồng môi giới thường là 1 tháng tiền thuê nhà (thuê 1 năm), 0,75 (thuê 9 tháng) và 0,5 tháng (thuê 6 tháng). Do vậy, phần thu nhập của nhà đầu tư căn hộ sẽ mất đi một ít so với dự kiến ban đầu.

Theo nhận định của một số nhân viên ngân hàng, nhu cầu vốn vay để đầu tư căn hộ tại Đà Nẵng đã có xu hướng tăng lên. Trong đó, vay mua để cho thuê đang có xu thế lan rộng bởi sự quay lại của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cho dù thế nào đi nữa, khi đất nền ở các khu vực ngoại ô đang ế ẩm, xu thế mua căn hộ để cho thuê là giải pháp hữu hiệu nhất, kỳ vọng sự ấm lại của thị trường bất động sản tại Đà Nẵng.

(Theo TBNH)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM