Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Doanh nghiệp bán lẻ chiếm trước mặt bằng để cạnh tranh

Cập nhật: 23/09/2014 00:15

Trong bối cảnh bán lẻ cạnh tranh gay gắt như hiện nay và thị trường mua sắm ở thành thị đang chững lại thì việc đầu tư phát triển tại nông thôn sẽ là phương án thích hợp. Các doanh nghiệp cũng đang lên phương án chiếm mặt bằng để cạnh tranh trong tương lai.

Chỉ còn 3 tháng nữa là bước sang năm 2015, cũng là thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn lĩnh vực bán lẻ theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đối với rất nhiều nhà bán lẻ lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như Lotte, Big C, Aeon… và những tập đoàn tên tuổi mới như Auchan (Pháp), Takashimaya (Nhật Bản), sự đi trước đón đầu khiến họ dễ dàng hơn để tìm kiếm thành công, chiếm thị phần lớn tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ảnh minh họa

Bằng tiềm lực tài chính vững, DN nước ngoài không chỉ tham gia thị trường mà kế hoạch dài hơi của họ là mở chuỗi phân phối. Điều này dẫn đến cuộc cạnh tranh mới về mặt bằng bán lẻ với DN trong nước. Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 700 siêu thị thì 40% trong đó do các tập đoàn nước ngoài “chiếm cứ”; 125 trung tâm thương mại thì DN nước ngoài chiếm 25%... Dự báo, sau năm 2015 độ phủ dịch vụ của DN nước ngoài sẽ còn tăng đáng kể, khi mọi cách biệt pháp lý giữa DN trong và ngoài nước đều xóa bỏ.

Ghi nhận thực tế, những nhà bán lẻ lớn trong nước có thực lực như Liên hiệp Hợp tác xã Tp.HCM (thương hiệu Saigon Co.op) với trên 82 siêu thị và cửa hàng tự chọn, nhưng phần lớn đều từ khu vực miền Trung trở vào phía Nam. Hệ thống siêu thị Co.op Mart chưa thể mở rộng ra Hà Nội như LotteMart hay Metro Cash & Carry, Big C… bởi khó tìm được mặt bằng phù hợp về vị trí và giá cả.

Theo các DN, để thuê được một điểm kinh doanh bán lẻ hiện nay rất khó, nhất là đối với DN phải cân nhắc chi phí tài chính. Bởi chỉ tính riêng chi phí mặt bằng kinh doanh đã chiếm từ 30 - 40% vốn đầu tư của DN. Ngược lại, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn lĩnh vực bán lẻ, DN ngoại đương nhiên sẽ có lợi thế lớn, vì họ mạnh về tài chính, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng, con người...

Tuy nhiên, chính mặt bằng bán lẻ cũng là yếu tố cạnh tranh mà các DN bán lẻ trong nước đang muốn tận dụng giai đoạn ngắn trước hội nhập hoàn toàn để tạo lợi thế cho mình. Một số DN đang phát triển mạnh theo hướng này.

Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Marketing thương hiệu điện máy Nguyễn Kim chia sẻ kinh nghiệm, để cạnh tranh Nguyễn Kim lên kế hoạch mở rộng chuỗi trung tâm mua sắm từ năm 2011, hướng đến năm 2015 sẽ đạt được từ 40 - 45 trung tâm mua sắm tại 32 tỉnh thành lớn trên toàn quốc với quy mô đầu tư mỗi Trung tâm Nguyễn Kim từ 30 - 50 tỷ đồng.

Do đặc thù ngành bán lẻ, vị trí mặt bằng và giá thuê là một trong những yếu tố tối quan trọng. Tại thời điểm mở rộng chuỗi bán lẻ của Nguyễn Kim, giá BĐS giảm sâu là một thuận lợi lớn để DN lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp. Theo lãnh đạo DN này, về góc độ thị trường, sức mua có thể giảm trong một thời điểm nhất định, nhưng mặt bằng dân số trẻ, sức tăng trưởng nền kinh tế cao và đặc biệt sức tiêu thụ nhóm sản phẩm số có nhiều tiềm năng, nên Nguyễn Kim tăng tốc nhanh từ 3 năm trước để chủ động thị trường.

Một “cửa ngách” kinh doanh khác, qua nghiên cứu hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt cho thấy, nhiều DN bán lẻ nội địa chưa thật sự quan tâm phát triển mạng lưới tại thị trường nông thôn, trong khi đây chính là kênh có tiềm năng lớn. Với nhiều DN, hoạt động kinh doanh ở thành thị vốn luôn là chiến lược phát triển chính, nhưng trong bối cảnh bán lẻ cạnh tranh gay gắt như hiện nay và thị trường mua sắm ở thành thị đang chững lại thì việc đầu tư phát triển tại nông thôn sẽ là phương án thích hợp.

Dự báo về nguồn cung và phân bố mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM thời gian tới của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ đối với các loại hình đồ ăn và thức uống, siêu thị và một số sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vẫn ở mức cao. Triển vọng từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bán lẻ mới của 46 dự án gia nhập thị trường. Quận 2 và 7 chiếm diện tích bán lẻ tương lai lớn nhất trong tất cả các quận, chiếm khoảng 44% tổng nguồn cung tương lai.

(Theo TBNH)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM