Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Doanh nghiệp BĐS tự đào hố chôn mình khi ăn gian vật tư

Cập nhật: 28/08/2013 11:52

Thay đổi chủng loại vật tư đang là cách mà một số doanh nghiệp địa ốc thực hiện nhằm duy trì nguồn tài chính cho dự án. Tuy nhiên điều này khiến người tiêu dùng lo ngại chất lượng công trình không đảm bảo như cam kết.

Trên thị trường BĐS hiện đang có tình trạng, các chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất thay đổi chủng loại vật tư, thường chuyển từ các vật tư nhập ngoại sang vật tư trong nước để giảm giá thành xây dựng. Nguyên nhân xuất phát từ việc các chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn nên tiết kiệm chi phí để trên cùng một đồng vốn bỏ ra, phải tìm cách xoay xở thực hiện được nhiều công đoạn nhất có thể. Trước thực tế này, ông TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng việc thay đổi chủng loại vật tư phải đảm bảo chất lượng công trình. Ông Liêm đồng ý với việc hạ giá thành để giảm chi phí đầu tư trong giai đoạn thị trường khó khăn là cần thiết, song phải đảm bảo được các yếu tố an toàn kỹ thuật chứ khôn chỉ đơn thuần chạy theo giá thành. Nếu không doanh nghiệp sẽ tự đào hố chôn mình.

Trên thực tế, không phải bây giờ mới có tình trạng chủ đầu tư thay đổi vật tư theo thiết kế ban đầu mà trước đây cũng có những dự án diễn ra tình trạng này. Những sự thay đổi này phục vụ cho mục đích gia tăng lợi nhuận, và được thực hiện phía sau lưng khách hàng. Anh N.Q.T, một kiến trúc sư hiện đang giám sát thi công tại một dự án BĐS lớn ở khu vực Minh Khai (Hà Nội) cho biết, những năm trước, các chủ đầu tư thường có xu hướng chọn vật tư cao cấp đưa vào thiết kế để phù hợp với các yêu cầu về chất lượng của dự án. Tuy nhiên, từ thiết kế đến thực tế thi công là cả một khoảng cách. Anh T hạ giọng, không phải lúc nào vật tư cũng được đảm bảo đúng mác nhãn như trong thiết kế. Thậm chí, trước khi tuyển các kỹ sư giám sát, có những nhà thầu, chủ đầu tư yêu cầu tuân thủ điều khoản “im lặng” như một thỏa thuận bất di bất dịch.

Theo anh T, những vật liệu đi ngầm như cáp bọc các loại dây dẫn, dây điện, đường ống cấp thoát nước… dễ bị thay đổi nhất. Hoặc như gạch lát nền, gạch ốp tường, hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm loại 2, loại 3 thay vì loại 1 theo cam kết. Thậm chí, anh V, một học viên đang trong giai đoạn đào tạo nghề và tiếng để chờ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, từng có thời gian thi công điện - nước cho một dự án BĐS lớn tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) tiết lộ, mặc dù dự án này có quy mô lớn và giá nhà có thể lên tới 2.000 USD/m2, song trên thực tế khi thi công, chất lượng vật tư điện, nước rất kém. Thậm chí, có những thời điểm thiếu vật tư, để đảo bảo tiến độ, chủ thầu còn chỉ định mua tạm vật tư ở… phố Cát Linh để bổ sung cho kịp!

Chẳng thế mà trong suốt những năm qua, từ nhà tái định cư cho đến các chung cư cao cấp đều xảy ra tình trạng người dân vừa kêu, vừa kiện chủ đầu tư vì chất lượng công trình quá thấp không như cam kết.

Từ năm 2009, cư dân của khu đô thị mới Ciputra - một trong những khu đô thị được cho là chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội đã lên tiếng phản ảnh về chất lượng. Chủ nhân một căn hộ 153m2 tại nhà E lúc mới nhận nhà khi chưa ở đã phát hiện ra tường, trần toilet, ban công bị thấm mốc, gạch ốp khu bếp mất hoa văn do kém chất lượng. Tới giữa năm 2011, chỉ một trận gió lớn đã gây sập trần 1 căn hộ chung cư tầng 19 chung cư Quốc Cường Gia Lai (Q7, Tp.HCM). Theo quan sát của phóng viên tại chung cư này, chất lượng hoàn thiện mặt ngoài (hành lang, tường, trần, sàn) thuộc loại trung bình thấp. Đặc biệt là trần rất thấp, chất lượng thạch cao kém với các đường nứt, hở và gợn sóng xuất hiện nhiều cả trong nhà lẫn ngoài hành lang. Hay gần đây vào tháng 6, khách hàng mua 1 căn penhouse 302m2 tại khu đô thị Trung Văn (Hà Nội) cũng phải tá hỏa khi nhận nhà bởi sàn, trần, tường nứt nẻ, nham nhở và toàn bộ các hạng mục phải có như kệ-tủ bếp, hệ thống thoát nước, bồn rửa… đều không có!

Chất lượng công trình thấp hơn nhiều so với cam kết, kèm theo giá bán bị tâng lên đến trời là những lý do không thể chính đáng hơn để người tiêu dùng quay lưng lại với thị trường BĐS của Việt Nam. Chỉ đến khi các chủ đầu tư bỏ hẳn tư tưởng làm ăn chộp giật (trong một môi trường mà pháp luật ít phát huy tác dụng) thì lúc đó, may ra mới có cơ hội cải thiện tình trạng ế ẩm hiện tại. Song đợi tới lúc đó, e rằng đã quá muộn, bởi các chủ nợ (ngân hàng) không đợi được lâu đến thế.

(Theo SM)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM