Việc phát triển nhà ở nếu chỉ dừng ở bước quy hoạch mà chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật sẽ dẫn đến quá tải về hạ tầng giao thông, không hình thành được khu đô thị như mong muốn. Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo "Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở" do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 6-1 ở TP HCM.
Việc phát triển nhà ở cần phải dựa trên việc đầu tư hạ tầng đồng bộ
Mô hình tiên phong
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch chung Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, cho biết TP đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2060, TP HCM sẽ là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; là trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế, trung tâm dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương; nơi có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Riêng TP Thủ Đức sẽ được quy hoạch thành khu đô thị sáng tạo bởi đây là địa điểm có nhiều chức năng, cơ sở hạ tầng thuận lợi. Khu vực đã và đang phát triển các cụm chức năng giáo dục nghiên cứu, văn hóa thể thao, công nghệ cao và tài chính. TP Thủ Đức cũng đang hình thành hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các đại biểu xem sa bàn quy hoạch phát triển TP Thủ Đức
Trong các chỉ tiêu phát triển, TP Thủ Đức sẽ áp dụng các giải pháp phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị. Trong đó có vấn đề nhà ở. TP Thủ Đức cũng được xem là mô hình tiên phong của một đô thị hiện đại của TP HCM.
Theo CafeF