Manh nha hình thành từ năm 1987, thị trường bất động sản đến nay đã trải qua nhiều nốt thăng trầm, nhiều lần khủng hoảng, thậm chí đóng băng. Sự trầm lắng hiện tại khiến nhiều nhà đầu tư mong chờ thị trường sớm hồi phục, ngược lại nhiều người mua thực lại trông đợi một pha xuống dốc có thể khiến giá bán giảm mạnh.
Từ năm 2019, ngay khi các cơn sốt đất liên tiếp xảy ra tại khắp các tỉnh thành, hàng loạt ý kiến bày tỏ quan ngại về nguy cơ và thời điểm xảy ra bong bóng bất động sản. Sang năm 2020, khi thị trường vốn đã trục trặc, một cú giáng mạnh từ dịch covid-19 khiến nhiều người mong chờ và bàn tán nhiều hơn về cơ hội bắt đáy và vùng trũng của thị trường.
Giai đoạn khó khăn như hiện tại không phải là lần đầu tiên xảy ra. Nhưng những diễn biến thời điểm này kéo nhiều người nhìn lại lịch sử thị trường bất động sản và thứ gọi là chu kỳ 10 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho hay, thị trường bất động sản tại TP.HCM và trên cả nước đã manh nha từ năm 1987 sau khi thành phố thực hiện chủ trương bán hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê sử dụng. Tuy nhiên, đến năm 1993 khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua thì thị trường bất động sản mới thực sự hình thành.
Từ đó đến nay, đã nhiều lần thị trường rơi vào khủng hoảng, bị suy thoái hoặc đóng băng như: Thời điểm năm 1995-1999, nặng nề nhất là từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009 hay giai đoạn năm 2011-2013. Một số thời điểm thị trường bất động sản đạt đỉnh như: Năm 1993-1994, năm 2001-2002, đặc biệt là năm 2007-2008.
Thị trường bất động sản thực sự hình thành từ khi Luật Đất đai năm 1993 được Quốc hội thông qua
Cụ thể, cơn sốt bất động sản năm 1993-1994 diễn ra khi Luật Đất đai năm 1993 ra đời, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì thế được thực hiện dễ dàng hơn. Kinh tế giai đoạn này tăng trưởng tốt hơn, đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.
Cơn sốt bất động sản thứ hai là năm 2001-2002, diễn ra sau khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương. Không chỉ giá đất tăng, giá vàng thời điểm này cũng tăng cao, việc định giá và thanh toán thậm chí lấy vàng để làm chuẩn.
Cơn sốt thứ ba là năm 2007 khi chứng khoán tuột dốc khiến một lượng vốn không nhỏ chuyển sang bất động sản. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, giá bất động sản đã giảm mạnh khi lạm phát và lãi suất ngân hàng vọt lên cao, cộng với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Với tình hình dịch bệnh hiện tại, có nhiều người dự đoán thị trường từ cuối năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2021 sẽ xuất hiện vùng giá đáy. Khi dịch bệnh tái phát, tâm lý nhiều nhà đầu tư càng lo ngại hơn, họ dừng lại quan sát, nghe ngóng các kênh đầu tư khác và đặt dòng tiền vào chế độ chờ. Vì thế giao dịch tại hầu hết các loại hình, phân khúc bất động sản đều chững lại.
Ngược với tâm lý e dè và kỳ vọng thị trường sớm hồi phục của nhiều nhà đầu tư, không ít người dân bày tỏ mong muốn thị trường hãy xuống dốc, giá nhà đất giảm mạnh và trở về giá trị thực. Bởi khi đó, một bộ phận không nhỏ những đối tượng sử dụng chiêu trò đẩy giá sẽ bị lọc khỏi thị trường, cơ hội mua nhà của người mua thực, đặc biệt là những người có thu nhập thấp sẽ ngày càng gần hơn.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang đánh giá, khi tâm lý chuyển hướng sang phòng thủ nhiều hơn, các bất động sản càng cao cấp càng bị lung lay chuỗi giá trị. Từ cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2021 là cơ hội săn bất động sản giá rẻ hơn so với cuối năm 2019. Những tài sản có giá trị lớn ở khu trung tâm hoặc kế cận trung tâm càng dễ bị điều chỉnh giá và thu hút giới đầu tư có tiền nhàn rỗi. Các khách sạn, nhà hàng tại thủ phủ về du lịch cũng được săn mua nếu giá tiếp tục giảm 15-20%.
Theo ThanhnienViet