Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Lãi suất - bức tường vẫn quá cao đối với người mua nhà

Cập nhật: 05/06/2014 22:50

Đối với người dân đang có nhu cầu mua nhà, nếu không có tiềm lực kinh tế vững vàng, tiền của dư dả để tiếp cận được căn nhà mơ ước thì chỉ có thể chờ bất động sản (BĐS) giảm giá hay đi vay vốn ngân hàng.

Ưu đãi cho vay có thời hạn… ngắn

Anh Nguyễn Quang Thuận – một tiểu thương tại chợ Tân Bình đã định cư tại Tp.HCM hơn 10 năm. Nhà 6 miệng ăn cộng thêm chi phí học tập cho con cái nên dù dành dụm lâu năm, anh vẫn chưa mua được một căn nhà, thoát đời sống trọ. Khi hỏi vì sao anh không vay ngân hàng trong thời kỳ giá nhà đang hạ, anh Thuận cho biết, với 6 nhân khẩu, anh phải mua căn hộ ít nhất 100m2, giá gần 2 tỷ, mua đất thì xa trung tâm mà phí xây dựng cũng không rẻ. Anh thử đi vay ngân hàng thì thủ tục phiền hà, với lãi suất vay 9-12% như hiện nay cũng là gánh nặng kinh tế cho gia đình trong thời gian dài. “Tự mình tích góp và đi vay người thân, bạn bè rồi từ từ tìm căn nào vừa tầm mua thôi, vay ngân hàng lãi suất cao mình gánh không nổi” anh Thuận chia sẻ.

Người mua nhà vẫn chưa thể kham nổi lãi suất vay hiện tại của ngân hàng (ảnh: Internet).

Nhìn nhận khách quan, thời gian gần đây để kích thích lại sức mua cho thị trường BĐS, nhiều dự án đã thực hiện các đợt giảm giá bán đi kèm với hình thức khuyến mãi, hỗ trợ thanh toán cho khách hàng. Tuy nhiên, giá nhà hiện tại vẫn bị nhận xét là còn khá cao, vượt quá khả năng của những người có nhu cầu thực về nhà ở. Lãi suất vay ngân hàng vẫn chưa ở mức người mua nhà có thể chấp nhận được. Điều kiện vay vốn gần như không thay đổi so với trước đây, nên dù giá và lãi suất có giảm thì người mua nhà vẫn khó tiếp cận với BĐS, việc giải ngân các gói ưu đãi vì thế cũng hạn chế hơn.

Không ồ ạt hay dễ dãi nhưng tình trạng suy kiệt tín dụng và áp lực chỉ tiêu tăng trưởng đè nặng, buộc các ngân hàng thương mại phải lao vào một cuộc chạy đua lãi suất cho vay. Ưu đãi mua nhà, đất là một trong các kênh lựa chọn của các ngân hàng. Lý do là hiện tại thị trường lãi suất tiết kiệm và cho vay đã giảm, nhà, đất đóng băng, đang có nhu cầu giải phóng hàng tồn, trong khi nhu cầu mua từ phía những người dân thì không hề hạ nhiệt. Khoảng vài chục ngàn tỷ đồng cho vay ưu đãi đã được bơm vào BĐS cho cả chủ đầu tư và người mua. Có thể kể đến gói tín dụng cho vay ưu đãi lên tới 2.000 tỷ đồng của MB, gói 2.500 tỷ đồng của VIB, gói 3.000 tỷ đồng của BIDV… cùng nhiều gói ưu đãi lãi suất cho vay của các ngân hàng khác.

Tuy nhiên người trong ngành cho rằng nhiều chương trình cho vay mua nhà, đất hiện tại chỉ nhằm quảng bá thương hiệu là chính. Trên thực tế, dù có chạy đua, nhưng lãi suất chẳng giảm được bao nhiêu bởi các gói kích thích thường chỉ có giá trị ngắn hạn trong thời gian ban đầu. Các mức lãi suất ưu đãi hiện nay thường áp dụng cho 6 hay 9 tháng đầu tiên, sau đó sẽ áp dụng theo lãi suất thị trường. Mà lãi suất thị trường luôn ở trạng thái bất ổn, lên xuống thất thường. Nếu chỉ áp dụng mức vay ưu đãi ở khoảng thời gian ngắn như hiện nay thì cũng không giúp ích gì được cho nhu cầu vay vốn mua nhà của khách hàng. Hiện tại ngân hàng đã có động thái hạ lãi suất tiết kiệm nhưng lãi suất niêm yết vẫn ở mức cao (khoảng 14%). Vậy nên không phải cứ giảm lãi suất trong vài ba tháng đầu là khách hàng ào ào đến vay. Khách hàng luôn xem xét khả năng trả nợ hay đợi xem lãi suất sẽ diễn biến như thế nào trong các tháng sau thời hạn ưu đãi mới quyết định có vay tiền hay không.

Lãi suất còn cao

Thử so sánh chính sách hỗ trợ mua nhà của Mỹ với Việt Nam, ở Mỹ chính sách nhà ở là làm sao cho dân có nhà để ở. Hiện nay bên Mỹ có tới 90% khách hàng vay vốn để mua nhà. Mỗi tháng họ chỉ phải chi ra không quá 30% thu nhập của gia đình, ngân hàng luôn tạo điều kiện cho dân vay tiền dài hạn tới 30 năm với lãi suất dưới 3%, cụ thể như hiện nay là từ 2,76% và vừa mới giảm xuống 2,5%. Họ tổ chức để người dân có được phương tiện tài chính để mua nhà và người dân chỉ cần bỏ ra từ 10% đến 20% giá trị của nhà và vay tới 80-90%. Ngoài ra, tiền lãi trên nợ vay mua nhà ở còn được trừ vào thu nhập gia đình trước khi nộp thuế. Có như vậy, người dân mới có khả năng mua và đầu ra của BĐS, chính sách nhà ở mới giải quyết được.

Ở Việt Nam, để có thể mua nhà người dân phải có từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Nếu không có tài chính dư dả thì đành phải đi vay ngân hàng. Mức lãi suất cho vay của ngân hàng hiện tại là khoảng 8-12%, đây vẫn là mức lãi suất quá cao đối với nhiều người và người mua nhà khó mà gánh nổi. Thậm chí, ngay cả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất 5% thời hạn 10 năm, người dân thu nhập thấp vẫn sẽ rất chật vật để có thể chi trả được. Ví dụ, nếu vay vốn với lãi suất ưu đãi 10% một năm, vay tối thiểu 7 năm thì lãi suất 10% này sẽ được áp dụng cố định trong 9 tháng đầu. Từ tháng thứ 9 sẽ áp dụng lãi suất niêm yết (hiện khoảng 14%). Với khoản vay 500 triệu đồng và mức lãi suất như trên, số tiền gốc và lãi (của tháng cao nhất) mà người vay phải thanh toán cho ngân hàng dự kiến là 11,5 triệu/ tháng. Để đảm bảo cho nhu cầu sống thiết yếu, việc trả nợ hàng tháng chỉ có thể chiếm tối đa khoảng 70% nguồn thu nhập mỗi tháng của người vay. Nếu người vay có tổng thu nhập mỗi tháng là 15 triệu,  để vay được 500 triệu đồng sẽ phải tăng thời gian vay hơn 8 năm mới đảm bảo cân bằng chi tiêu sống, trách nhiệm trả nợ. Còn đối với các khách hàng có thu nhập thấp hơn mức trên thì thời gian trả nợ buộc phải kéo dài thêm. Vậy là trong thời gian kéo dài đó, người vay nhà phải chi 11,5 triệu/tháng cho ngân hàng trong ít nhất 8 năm. Con số này thực chất vẫn quá lớn và là gánh nặng không phải ai cũng dám gánh. Nhiều chuyên gia nhận xét, hiện ngân hàng vẫn chưa có chính sách tài chính, tín dụng phù hợp, đại đa số người dân cần mua nhà vẫn không đủ tài chính để mua kéo theo BĐS không có đầu ra, kinh tế không thể phát triển được.

Theo thông tin từ NHNN, trong 4 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng tín dụng cho vay BĐS cao hơn mức tăng trưởng chung. Tuy chưa rõ ràng, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu vay mua nhà, đất ở của dân cư đang cải thiện. Trong bối cảnh tín dụng cho sản xuất - kinh doanh đang gần như âm nếu thu hút thêm được nhiều khách hàng vay vốn mua BĐS thì sẽ kích thích được đầu ra cho thị trường. Tuy nhiên lãi suất cao đang là trở ngại chính khiến người dân chưa muốn tìm đến ngân hàng, muốn khơi thông được dòng tín dụng cho vay BĐS, lãi suất vay vẫn là chuyện cần phải bàn nhiều.

Theo batdongsan.com.vn

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM