Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Làm gì để nhà tái định cư hấp dẫn người dân?

Cập nhật: 28/04/2014 12:13

Nhiều khu nhà tái định cư đưa vào sử dụng không lâu đã bị xuống cấp, tróc, nứt và thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, trường học. Các cơ quan chức năng cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các dự án này.

Vừa được đưa vào sử dụng chừng 5, 7 năm nhưng nhiều tòa nhà cao tầng theo thiết kế có "tuổi thọ" không dưới 50 năm đã bị bong tróc, nứt, lún..., nhiều khu thiếu hẳn dịch vụ thiết yếu như trường học, khu thương mại, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng... Đó là thực trạng của nhiều khu nhà tái định cư (TĐC) hiện nay. Vì sao từ một cơ chế, chính sách đúng mà thực tế triển khai lại không như mong muốn? 

Tòa nhà N9 và N10, Khu TĐC Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội)
mới đưa vào sử dụng đã bị tróc lở, sụt, lún...

Những điều mắt thấy, tai nghe

Khu nhà ở TĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gồm các tòa nhà từ N1 đến N10 (tám nhà chín tầng và hai nhà 11 tầng) được đưa vào sử dụng năm 2007 - 2008, với quy mô thiết kế gần một nghìn hộ dân. Thế nhưng hầu hết các tòa nhà đã xuống cấp: tróc lở, sụt, lún, nứt,... Do cốt nền không chuẩn cho nên toàn bộ nền tầng 1 của tòa nhà N7 đang phải dỡ ra để tôn tạo lại.

Hỏi về chất lượng nhà, bà Trương Thị Mai, phòng 206, tòa nhà N2, bức xúc: "Chất lượng các tòa nhà quá kém, ngay khi chúng tôi chuyển về ở đã phát hiện một số tòa nhà bị sụt, lún. Một số căn hộ thường xuyên bị bong tróc, gạch nền thì phồng, rộp. Mặc dù đã nhiều lần phản ánh với đơn vị quản lý tòa nhà nhưng họ nghe rồi để đấy. Khi giục rát thì họ trả lời không có trách nhiệm trong nhà mà chỉ có trách nhiệm ở bên ngoài. Họ trả lời là vậy, nhưng khi xảy ra các sự cố chung như sảnh, nền gạch các tầng bị bong, vỡ hay hệ thống thoát nước kém, không có nắp đậy khiến gạch rơi vãi, gây ùn ứ, ngấm nước thải vào tường nhà dân thì họ cũng dửng dưng. Chúng tôi kiến nghị rất nhiều lần thì họ mới cho người đến sửa chữa".

Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Bảy, trú tại phòng 702 tòa nhà N2 khẳng định, chất lượng tòa nhà cũng như cơ sở hạ tầng khu vực quá kém. Từ khi chuyển về đây sinh sống được bảy năm thì có bốn đến năm lần đơn vị quản lý phải tôn lại nền, móng cũng như lát các sảnh, tầng bị hỏng. Tòa nhà có gần 70 hộ với hơn 300 người sinh sống mà chỉ có một trong hai chiếc thang máy sử dụng được, chiếc còn lại thường xuyên hỏng hóc. Chúng tôi vẫn phải đóng tiền phí, tiền dịch vụ đầy đủ nhưng không hiểu sao chất lượng dịch vụ kém đến vậy.

Thấy mấy bà đang "tố khổ" với phóng viên, ông Hoàng Thế Lộc, phòng 505, tòa nhà N10, tới góp lời: Mấy năm nay nhà này phải sửa chữa, vá víu liên tục. Riêng các căn hộ còn đỡ vì người dân sửa chữa để ở, còn những khu vực sinh hoạt chung hiện đang bị hỏng nặng; hộp kỹ thuật (hệ thống thoát nước) do làm ẩu, lún nền dẫn đến cong vẹo, gãy vỡ, rất mất vệ sinh. Hạ tầng thì nham nhở và thiếu đủ thứ...

Nền, móng một tòa nhà trong Khu TĐC Đồng Tàu xuống cấp trầm trọng.

Rời Đồng Tàu, khảo sát thêm một số khu nhà TĐC khác, như Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Pháp Vân -Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), Phú Thượng (quận Tây Hồ), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy)..., chúng tôi thấy tình trạng không khá hơn là mấy. Chị Nguyễn Thị Hằng (trú tại khu tái định cư Pháp Vân - Tứ Hiệp) cho biết, do chất lượng xây dựng kém cho nên cả tòa nhà dành cho gần 100 hộ dân ở nhưng đến nay mới chỉ có hơn 20 hộ dân đến sinh sống, số hộ còn lại chê không đến nhận nhà.

Điều chỉnh chính sách

Trong nhiều năm qua, chính sách hỗ trợ nhà tái định cư đã giúp nhiều hộ dân có được chỗ ở ổn định sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện một số dự án trọng điểm. Khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án, những hộ dân bị thu hồi hết đất hoặc phần diện tích còn lại không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định sẽ được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ bằng cách bố trí mua nhà ở TĐC.Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng nhà TĐC không bảo đảm đã khiến cuộc sống của các hộ dân này càng thêm khó khăn, bất tiện khiến nhiều hộ không nhận nhà. Vì sao một chính sách đúng của Nhà nước khi triển khai thực tế lại có độ chênh như vậy?Lỏng lẻo, bất hợp lý ở khâu nào trong quá trình thực thi làm giảm chất lượng công trình? Đây có phải là một trong những lý do khiến người dân không chịu di dời, gây chậm trễ tiến độ nhiều dự án lớn, khiến Nhà nước thiệt hại không ít tiền của,...?

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ - Khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) Lê Hồng Lĩnh cho biết, Xí nghiệp quản lý các tòa nhà theo sự phân cấp của TP Hà Nội trong việc quản lý, phục vụ các hộ dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Hiện tại, xí nghiệp đang quản lý 153 tòa nhà TĐC cả thấp và cao tầng, trong đó quản lý trực tiếp 95 tòa nhà, còn 58 tòa nhà, chỉ quản lý trên phương diện hồ sơ. Theo quy định về quản lý vận hành, sửa chữa tòa nhà chung cư và nhà ở TĐC thì bên quản lý chỉ chịu trách nhiệm sửa chữa những phần hư hỏng chung, còn phần diện tích phía trong căn hộ do dân sử dụng, quản lý và tự sửa chữa. Mặt khác, quy định của Luật Nhà ở năm 2005, việc bảo hành các tòa nhà cao tầng sau khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng là 5 năm nhưng lại không nói tới chủ đầu tư hay bên nhà thầu thi công phải có trách nhiệm đến hết quá trình sử dụng, vận hành của tòa nhà. Điều đó đã tạo ra khe hở cho các chủ đầu tư, nhà thầu thi công lách luật và chỉ chịu trách nhiệm hết thời gian bảo hành theo quy định.

Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên, Thanh tra Bộ đã đi kiểm tra một số công trình, tòa nhà TĐC. Nguyên nhân khiến tường bị bong, tróc, phồng, rộp..., là do kỹ thuật hoàn thiện kém. Một thực tế hiện nay là việc xây dựng nhà ở TĐC đã không bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết như nhà ở khu đô thị (về hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công cộng như khu vui chơi giải trí, trường, chợ, và các loại dịch vụ khác...). Từ trước đến nay vấn đề này chưa thật sự được chú trọng, nhiều khu tái định cư được xây dựng giữa cánh đồng, ở những nơi hẻo lánh mà không có các dịch vụ, cơ sở hạ tầng thấp kém khiến cuộc sống người dân rất khó khăn, bất tiện. Chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện bảo đảm chất lượng sống của người dân ở nhà TĐC phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Nếu không bảo đảm được như vậy thì chính sách sẽ không còn ý nghĩa.

Tiến sĩ, luật sư Lương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, hiện tại quyền lợi của người dân khu nhà ở tái định cư hầu như bị bỏ quên. Họ mất tiền mua nhà nhưng không hề được bảo đảm về chất lượng. Việc chủ đầu tư không quy hoạch, xây dựng các công trình, dịch vụ, như vườn hoa, khu vui chơi giải trí, trường học... suy cho cùng chẳng khác nào cô lập và phân biệt người dân TĐC so với điều kiện thụ hưởng của những người dân nơi khác.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, xuất phát từ quan niệm là nhà bao cấp, được nhà nước chi tiền cho nên chủ đầu tư xây xong, không cần phải bán, chỉ bàn giao cho các công ty quản lý và phát triển nhà quản lý. Chủ đầu tư thường chọn xây nhà cách xa trung tâm thành phố, cắt giảm được các chi phí đến mức tối đa và dẫn tới chất lượng nhà không được bảo đảm. Điều này hoàn toàn trái ngược với chất lượng công trình nhà ở thương mại. "Hiện nay, chúng ta lẫn lộn giữa chính sách tái định cư và nhà ở tái định cư. Ở thành phố không nên có nhà ở TĐC, người dân cần mua nhà có thể thông qua sàn giao dịch bất động sản để mua nhà ở phổ cập, phù hợp với số tiền họ có; bởi có rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận nhà TĐC đều bán đi và mua nhà ở nơi khác, phù hợp hơn với điều kiện sống, làm việc, học tập của mình. Trong khi đó, quỹ nhà TĐC của nhiều thành phố luôn khan hiếm. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn cần có nhà ở tái định cư vì những đối tượng này phần lớn là dân nghèo, không có điều kiện xây nhà cho nên nhà nước cần cấp kinh phí xây nhà để họ có thể ổn định cuộc sống" - Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Để hài hòa lợi ích người dân và Nhà nước, Bộ Xây dựng đang đề xuất phương án bỏ khái niệm nhà TĐC và không cấp phép xây dựng nhà TĐC mới. Thay vào đó, dự án nhà ở xã hội sẽ có một tỷ lệ thích hợp phục vụ tái định cư. Lúc đó chủ đầu tư buộc phải chú trọng chất lượng công trình cũng như bảo đảm hạ tầng kỹ thuật... Thêm nữa, có thể tính đến phương án thay vì ấn định nơi tái định cư, người được bồi thường hỗ trợ bằng nhà đất sẽ được giao một suất nhà TĐC và được lựa chọn mua căn hộ ở các dự án trong danh sách của cơ quan chức năng. Hình thức này sẽ giúp người dân được tự chọn căn nhà phù hợp nhất với họ, từ đó tránh được hiện tượng tiêu cực mua bán suất nhà TĐC hiện nay; đồng thời làm tăng tính cạnh tranh của loại hình nhà ở phục vụ tái định cư, vì người dân sẽ chọn những dự án có chất lượng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt hơn. Mới đây, TP Hà Nội cũng dự kiến áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ TĐC bằng tiền đối với Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đây là chính sách có tính chất bổ sung cho chính sách hiện hành, đối tượng áp dụng là những người được mua nhà TĐC nhưng không có nhu cầu và tự lo được nhà, tự nguyện nhận tiền hỗ trợ thay vì nhận nhà.

Nếu các phương án điều chỉnh của bộ, ngành chức năng được chấp thuận và triển khai, có thể hy vọng trong tương lai gần, người dân TĐC sẽ có cuộc sống tốt hơn.

(Theo Nhân dân)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM