Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Nhà trọ sinh viên mất giá, chung cư mini lên đời

Cập nhật: 21/06/2014 20:40

Xu hướng thuê căn hộ chung cư mini khép kín đang dần thay thế những căn nhà trọ cấp 4 lụp xụp xây theo dãy dài, mái lợp qua loa. Dạng chung cư mini cho thuê này có nhiều lợi thế, song cũng có những bất cập.

Chung cư mini vốn ra đời từ năm 2005, song khi ấy, do thị trường “nóng” với những căn hộ đắt đỏ, loại hình này chỉ đón nhận những cái nhìn hờ hững kể từ nhà kinh doanh cho đến cơ quan quản lý. Chỉ đến khi thị trường bất động sản suy sụp cùng cơn bão “nợ xấu”, người ta mới chợt nhớ đến dạng nhà này và ngóng trông một sự bảo đảm pháp lý. Trong khi đó, cùng với sự ảm đạm của thị trường, dù không bán được song các chủ chung cư mini đã chuyển sang hình thức cho thuê nhà trò bình dân kiếm “đồng bạc lẻ”.

Hầu hết loại chung cư này được xây dựng trên những khu đất nhỏ nằm sâu trong ngõ ngách, chỉ có một số ít là nằm trên ngõ rộng. Nhưng dạng nhà trọ này đang đánh bật kiểu nhà dãy cho thuê thường thấy. Chung cư mini thường có từ 3-7 tầng, được chia thành nhiều phòng, có cầu thang đi chung, một số nhà còn lắp cả thang máy, điều hòa… Diện tích mỗi phòng chỉ khoảng từ 15-25m2 nhưng có đầy đủ công trình phụ, bếp, nhà tắm, chỗ để xe… có lợi thế hơn hẳn những nhà trọ cấp 4 ẩm thấp, nóng nực. Do đó, giá thuê cũng cao hơn, khoảng 1,5 triệu-4 triệu đồng/căn, tùy diện tích và khoảng cách đến các công trình dân sinh cần thiết như trường học, chợ búa, bệnh viện.

Hiện nay, những ai muốn xây phòng trọ cho thuê phần lớn đều “từ giã” nhà cấp 4 với mái tôn hoặc mái lợp xi măng mà thay vào đó là xây chung cư mini bởi số phòng cho thuê tăng lên gấp 3-4 lần nhờ dựng theo chiều dọc mà không tốn bề ngang như kiểu nhà dãy, nhờ đó nguồn thu cũng được nhiều hơn. Bác Toàn, chủ của chung cư mini 4 tầng ở ngõ Gốc Đề, Minh Khai, Hà Nội - một trong những nơi có nhiều trường ĐH quy tụ như Bách Khoa, Kinh tế Quốc Dân, Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp… - cho biết lúc đầu nhà bác cũng chỉ định xây nhà trọ cấp 4 có vài phòng cho sinh viên thuê nhưng thấy sinh viên ở khu này đông nên đã quyết định xây chung cư mini và mỗi tháng cũng thu về được gần 30 triệu.

Hàng năm lại có hàng ngàn sinh viên “tá túc” tại Hà Nội trong 4-5 năm học, sau khi học xong số sinh viên này lại tìm cách tìm việc ở đây khiến Hà Nội ngày càng trở nên chật hẹp. Nhu cầu thuê trọ lại càng tăng khiến mô hình chung cư mini lại được “nở rộ” ở nhiều nơi, thu hút nhiều em sinh viên và người lao động ngoại tỉnh.

Thu Phương (sinh viên năm 4 trường ĐH Ngoại Giao) cho biết: “Năm đầu học đại học vì “lạ nước lạ cái” nên em thuê chỗ trọ gần trường học để tiện cho việc đi lại. Nhưng xóm trọ này có nhiều điểm bất tiện như phải dùng chung nhà tắm, chỗ nấu ăn thì chật chội. Ở được mấy tháng sau khi được giới thiệu phòng chung cư mini ở Ngã Tư Sở có đầy đủ tiện nghi, dù hơi xa trường 1 tí nhưng em cũng dọn đồ chuyển sang đó luôn. Với phòng đầy đủ các tiện ích như điều hòa, nóng lạnh, wifi, chỗ để xe an toàn nên từ đó đến nay em vẫn trọ tại chỗ này mà không phải lo lắng gì. Sau khi học xong, nếu bắt buộc phải chuyển chỗ trọ thì em cũng sẽ tìm đến các chung cư mini kiểu như thế này để thuê chứ không muốn thuê tại các xóm trọ nữa”.

Tuy nhiên, không phải nhà chung cư mini nào cũng đem tới sự thoải mái như thế. Nhiều chung cư mini nằm trong khuôn viên đất, chung cổng với nhà chủ nên thường hay bị chủ nhà “săm soi”, càu nhàu về vấn đề vệ sinh chung như đổ rác, dọn vệ sinh hay quy định giờ đóng cửa, sáng có đi sớm thì cũng phải xin phép chủ nhà… Bên cạnh đó, vì đầy đủ tiện nghi, có cả điều hòa, thang máy, nóng lạnh nên nhiều lúc viện vào lý do giá xăng, giá điện tăng mà chủ nhà đói tăng thêm tiền thuê nhà khiến nhiều em sinh viên muốn ở đây cũng phải “bấm bụng” chi tiêu. Ngọc Minh (sinh viên năm 2 trường ĐH Thương Mại) chia sẻ: “Ở chung cư mini tuy thuận tiện nhưng do giá phòng hơi đắt 2 triệu/tháng chưa tính điện nước nên em phải rủ chung thêm 3 bạn nữa cùng quê đến ở cùng để san sẻ chi phí. Vì không thân, tính cách lại không giống nhau nên nhiều lúc cũng xảy ra tranh cãi”.

Có thể nói, chung cư mini là một dạng cao cấp hơn của nhà trọ sinh viên, cho nên, ngoài việc có thêm một số tiện nghi thì những “căn bệnh” thường thấy của phân khúc này cũng xuất hiện. Chẳng hạn như tiền điện nước “tùy hứng” theo cả cơ quan điều chỉnh lẫn gia chủ, không có hợp đồng thuê đảm bảo nên chủ thì luôn trong tư thế “đuổi khách” còn khách thì sẵn sàng “dọn đi” hay chuyện không có sổ đỏ cũng khiến nhiều người lo nơm nớp. Vẫn biết là vậy, nhưng khi nhà giá rẻ vẫn là ước mơ của ngay cả những người có công ăn việc làm ổn định, thì các chung cư mini, dù có thể “đầu voi đuôi chuột”, vẫn là lựa chọn tương đối cho những người lao động, sinh viên ngoại tỉnh lận đận trên con đường tìm cách “an cư’.

(Theo Sống mới)
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM