Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tại sao dịch Covid-19 không kéo giảm giá nhà?

Cập nhật: 16/07/2021 13:31

Covid-19 đã và đang tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, kể từ khi bùng phát vào đầu năm 2020, đến nay 4 đợt dịch bệnh chưa từng kéo giảm giá nhà như kỳ vọng của nhiều người. Tại sao?

Câu hỏi trên được các khách mời và diễn giả tham gia phiên tọa đàm trực tuyến báo cáo Nghiên cứu thị trường quý 2/2021 của Batdongsan đưa ra những kiến giải sâu sắc.

Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan cho biết, thực tế ngay từ khi xuất hiện đợt dịch bệnh đầu tiên, đã có nhiều quan ngại Covid sẽ khiến giá BĐS giảm. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm quý 2 và quý 3/2020, dựa trên dữ liệu lớn, đặc biệt tham khảo thêm yếu tố chu kỳ của các đợt dịch, Batdongsan.com.vn đã đưa quan điểm rằng giá BĐS khó giảm mà sẽ diễn biến theo xu hướng đi ngang. Bởi BĐS là kênh đầu tư với kỳ vọng dài hạn, trong khi dịch bệnh mang tính chất ngắn hạn. Diễn biến thực tế cũng cho thấy, đến cuối năm 2020 giá BĐS vẫn giữ xu hướng đi ngang, thậm chí tăng mạnh vào các tháng đầu năm 2021.

Theo ông Quốc Anh, có 2 nguyên nhân chính khiến giá BĐS không giảm, thậm chí vẫn tăng bất chấp dịch Covid. Thứ nhất, so với trước dịch bệnh, sự quan tâm đến thị trường BĐS gần như không thay đổi. Chính nhu cầu của người mua nhà đã giúp giá BĐS giữ được xu hướng tích cực, đây cũng là quy luật cung - cầu của thị trường. Thứ hai, thành công trong việc kiểm dịch của Việt Nam giúp tạo tâm lý ổn định cho người mua, nhà đầu tư. Trong giai đoạn dịch vẫn có những BĐS có giao dịch và giá tốt hơn so với trước dịch, chẳng hạn phân khúc chung cư tại TP.HCM hay BĐS thổ cư cũng có thanh khoản rất tốt so với trước. Điều này phản ánh nhu cầu, kỳ vọng của người mua với BĐS vẫn rất cao, khi dịch bệnh được đẩy lùi thậm giá sẽ tiếp tục tăng lên.

Ông Ngô Văn, Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi cũng xác nhận việc không thấy sự suy giảm của giá BĐS dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Theo nghiên cứu về dịch Covid-19 thì trong cả năm 2020, giá BĐS tại nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Mỹ, Châu u đều tăng, thậm chí tăng 2 con số. Lý giải về mặt khoa học nghiên cứu thì trong đại dịch, nhu cầu work from home (làm việc tại nhà) rất lớn. Trước đây, khi làm việc ở các công sở nhiều chuyên gia có thể thuê văn phòng, căn hộ nhỏ thì dịch bệnh bắt buộc họ phải quay về nhà, đảm bảo nhu cầu vừa làm việc vừa sinh sống. Điều này góp phần làm nhu cầu tìm kiếm BĐS tăng cao hơn. Chưa kể nhu cầu nhà ở vốn dĩ vẫn là nhu cầu cấp thiết, nhất là khi dịch bệnh.

Ngoài ra, trong dịch, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn so với chứng khoán, vàng hay USD... Với tầng lớp giàu có, BĐS luôn là kênh lưu trú tiền được ưa chuộng, đặc biệt là với những tài sản có pháp lý, vị trí tốt. Khảo sát thị trường tại TP.HCM, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Đà Nẵng… của Danh Khôi cũng ghi nhận niềm tin, kỳ vọng vào thị trường BĐS của nhà đầu tư vẫn rất tốt, không suy giảm. Thị trường BĐS Việt Nam cũng sẽ không đi ngược lại xu hướng của thế giới, BĐS không giảm giá và vẫn giữ vai trò là trụ cột, nơi lưu trú tiền của người dân...

Đồng tình với các quan điểm trên, bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc thương hiệu Công ty BĐS Tuấn 123 phân tích thêm về yếu tố nhu cầu. Cụ thể, người mua BĐS có hai nhóm chính là mua để ở và mua để đầu tư. Với người mua để ở, đây là nhu cầu đầu tiên trong tháp nhu cầu của Maslow nên dù điều gì xảy ra đây vẫn là nhu cầu thiết yếu. Hơn nữa nhu cầu này ngày càng tăng lên khi dịch bệnh nhiều người không thể đến cơ quan làm, đến quán cafe… làm việc, ở các khu giãn cách bắt buộc phải ở trong nhà... Chính vì đây là nhu cầu cơ bản và nhu cầu đầu tiên nên giá nhà sẽ có xu hướng tăng lên. Với nhà đầu tư BĐS lâu năm, 90% trong số họ cho rằng đây là một cơ hội lớn, họ xuống tiền rất nhanh trong thời điểm Covid. Nhiều người đã quan sát thị trường từ rất lâu nhưng thời gian diễn ra dịch bệnh chính là thời điểm thích hợp xuống tiền. Như vậy nhu cầu mua cao đã giúp BĐS có diễn biến tăng giá như đã diễn ra.

Là đơn vị trực tiếp bán sản phẩm và tương tác nhiều với khách hàng, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn BĐS Hải Phát nhìn nhận, tác động của dịch Covid là rất rõ ràng lên thị trường, nhất là với thị trường sơ cấp. Trong đó, ảnh hưởng rõ ràng nhất chính là dòng vốn của ngân hàng. Với lượng tiền rẻ dồi dào cung ứng ra thị trường, những nhà đầu tư cá nhân đón nhận thông tin này rất tích cực. Thực tế việc giải ngân vốn BĐS cho các nhà đầu tư nhỏ, với số vốn dưới 5 tỷ trong 6 tháng đầu năm diễn ra khá sôi động. Trong giai đoạn vừa rồi dù dịch Covid nhưng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn rất ổn định. “Về góc độ nhà đầu tư cá nhân, tôi nghĩ đây là thời điểm khá phù hợp để họ đưa ra quyết định tận dụng dòng vốn rẻ để mua tiêu dùng hay mua đầu tư. Đã rất nhiều nhà đầu tư ở trạng thái chờ đợi tỏ ra phấn khích trong giai đoạn có nhiều thuận lợi, hỗ trợ về dòng vốn như bây giờ”, ông Duy nhận xét.

Tuy nhiên, ở góc độ là một đơn vị phát triển BĐS, ông Duy cũng đưa ra một số thông tin mà người mua nhà cần cân nhắc. Thứ nhất, lượng rao bán các tài sản của các ngân hàng cũng đang tăng, điều này nghĩa là những con nợ của ngân hàng đã mất khả năng trả nợ, và thường các con nợ này sở hữu các khối BĐS lớn. Đây là chỉ báo nhà đầu tư cần lưu ý.

Theo Batdongsan

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM