Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Thủ tục xây dựng quá khắt khe, gây khó cho người dân

Cập nhật: 13/08/2014 12:18

Những quy định quá mức chặt chẽ tại Thông tư số 10/2014/TT-BXD thay thế Thông tư số 39/2009/TT-BXD để quy định một số nội dung về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ đã gây ra nhiều quan ngại đối với các chủ đầu tư, đơn vị thi công và cả người dân.

Thời gian qua, việc người dân xây dựng nhà không phép, xây nhà theo kiểu tự phát khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và chất lượng công trình nhà ở. Việc Luật Xây dựng sửa đổi cùng với những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn được ban hành được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự công tác quản lý xây dựng theo hướng quy củ hơn.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 thay thế Nghị định số 209/2004, mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BXD thay thế Thông tư số 39/2009/TT-BXD để quy định một số nội dung về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ. Nội dung quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BXD kế thừa phần lớn các nội dung quy định trong Thông tư số 39/2009/TT-BXD.

Theo Bộ Xây dựng, nội dung Mục a Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế và kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng. Do đó, Thông tư số 10/2014/TT-BXD phải hướng dẫn chi tiết các nội dung thẩm tra thiết kế và công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên.

Thông tư số 10/2014/TT-BXD quy định, đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình; đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa hoặc trường hợp nâng tầng nhà ở thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng thực hiện…

Tuy nhiên, trước những quy định khắt khe tại Thông tư này đã gây ra nhiều quan ngại đối với các DN thi công công trình, DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các chủ đầu tư và người dân. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, Thông tư 10/2014/TT-BXD vừa ban hành không có gì mới và có thể đi ngược chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

Khi xây dựng chính sách cần tránh gây “sốc” cho đối tượng bị điều chỉnh

Chuyên gia này phân tích, quy định này vô hình trung tạo nên một giấy phép con, gây khó cho người dân trong việc xây dựng nhà riêng lẻ và các DN kinh doanh bất động sản. Thực tế, vấn đề này năm 1994, Bộ Xây dựng đã làm rồi. Song tại thời điểm đó, những kết quả như hồ sơ do DN và người dân nộp, kể cả hồ sơ địa chất mà cơ quan chức năng nhận được đều là giả, chỉ mang tính đối phó.

Thay vì làm một bộ hồ sơ địa chất thật tốn kém hàng chục triệu đồng thì DN, người dân đối phó bằng cách mua hồ sơ giả chỉ tốn khoảng vài triệu đồng mỗi bộ. Điều này khiến người dân tốn tiền, mà việc quản lý nhà nước đối với những quy định này lại chẳng đi đến đâu, gây lãng phí và bất cập. Do đó, năm 2000, theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính, quy định này đã được xóa bỏ...

Việc quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép xây dựng công trình là cần thiết, bắt buộc, hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên biết rằng, hiện nay, việc xin cấp phép xây dựng luôn là cửa ải gây khó khăn cho người dân nhất khi họ xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Do đó, việc Thông tư 10/2014/TT-BXD quy định nhà ở từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình theo quy định hay quy định đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất chẳng những không cải tiến thủ tục hành chính mà lại còn gây phiền hà, khó khăn hơn cho người dân.

Nếu làm theo quy định mới, người dân xin cấp phép xây dựng sẽ tốn kém hơn rất nhiều và cũng mất nhiều thời gian hơn. Đó là chưa kể thủ tục hành chính phát sinh thêm dễ gây ra tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, hành dân... sẽ dẫn đến việc DN và người dân sẽ đối phó như trước đây.

Về phía DN, giám đốc một công ty xây dựng tại Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế nên hầu hết các DN xây dựng rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Hàng loạt dự án căn hộ, công trình ngừng thi công hoặc giãn tiến độ đã đẩy các nhà thầu xây dựng vào tình thế khó.

Do đó, DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tập trung sang thầu các dự án nhà ở riêng lẻ. Nay với quy định mới này, nhiều hộ đã chuẩn bị kinh phí, ký hợp đồng thuê thầu xây dựng nhà, nhưng rồi phải hủy bỏ vì không xin được giấy phép xây dựng. Điều này có thể gây ra những hệ lụy như công nhân không có việc làm, tồn kho vật liệu xây dựng tăng trở lại…

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc kỹ những hệ quả có thể diễn ra khi đưa chính sách vào thực tế và cần phải có một lộ trình phù hợp, tránh gây “sốc” hoặc bị động, gây tốn kém cho người dân mà không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc làm thế nào tránh tạo ra một tiền lệ xấu như việc lập ra các DN "chân rết" về kiểm định, đánh giá sẽ nhân cơ hội này bắt chẹt người dân, DN…

(Theo TBNH) 
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM