Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tp.HCM: Hiện vẫn chưa có DN nào tiếp cận được với gói 30.000 tỷ

Cập nhật: 18/10/2013 23:14

Mặc dù được miễn tiền sử dụng đất để giảm chi phí đầu tư căn hộ nhưng các chủ đầu tư dự án BĐS vẫn không thể với tới tín dụng ưu đãi lãi suất 6%/năm của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

=> Bình Dương: Gói 30.000 tỷ "ế" do người lao động chưa có nhu cầu?

=> Mới giải ngân chưa đầy 1% gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ

DN “bỏ chạy”

Nêu ra vấn đề tại sao DN không mặn mà với việc vay vốn ưu đãi để tạo cung cho thị trường nhà thu nhập thấp, trong cuộc làm việc giữa Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh với 5 NHTM Nhà nước trên địa bàn chiều ngày 17/10, do NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Khó khăn của các chủ đầu tư xây nhà ở xã hội là phải lo được giấy phép xây dựng nhà ở xã hội 

Ông Vũ Ngọc Kình, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Tp.HCM cho rằng, để có đất sạch đầu tư dự án nhà ở xã hội và căn hộ thương mại theo tiêu chí về diện tích và giá bán của gói 30.000 tỷ đồng, trước đó DN đã phải bỏ vốn ra để trả cho người dân mới có mặt bằng. Trong khi hầu hết các chung cư của DN những năm qua xây dựng đều có diện tích hơn 90 m2 và giá trên 15 triệu đồng/m2. “Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở một chính sách tốt như vậy nhưng không hiểu tại sao đến nay chi nhánh chúng tôi không có một khách hàng nào đến hỏi vay vốn” – ông Kình nói.

Ông Phạm Thế Nguyên, Phó giám đốc Sở giao dịch II Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có hiệu lực, rất nhiều DN ở Tp.HCM nhảy vào đề nghị vay vốn triển khai dự án nhà thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo các điều kiện của Bộ Xây dựng đưa ra, một chủ đầu tư để tiếp cận được nguồn vốn này phải đáp ứng đủ, sau đó các ngân hàng mới xét duyệt trên danh mục những DN Bộ Xây dựng chấp thuận để cho vay xây dựng nhà ở xã hội và căn hộ nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Theo ông Nguyên, nếu biết điều kiện phải có giấy phép xây dựng nhà ở xã hội mới được lọt vào danh sách các DN được phép tham gia chương trình vay vốn tín dụng lãi suất 6%/năm thì họ đã làm từ trước đây. Vì thế, khó khăn của hầu hết các chủ đầu tư xây nhà ở xã hội hiện nay là lo được giấy phép xây dựng nhà ở xã hội, hầu hết những dự án triển khai trong hai năm qua là nhà ở thương mại và những giấy phép trước đó đã cấp cho DN. Đến nay BIDV chi nhánh Tp.HCM mới chỉ có một DN trong tổng số 9 DN nộp hồ sơ đề nghị vay theo gói 30.000 tỷ đồng tạm coi là đủ các điều kiện của Bộ Xây dựng đưa ra.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho biết: công ty ông là DN đầu tiên được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng với hạn mức 540 tỷ đồng, tuy nhiên do thủ tục quá chậm, nhiêu khê và chồng chéo, nên đến nay cũng chưa giải ngân được đồng vốn nào?

Người mua “rối” với chủ đầu tư

Từ phía người mua nhà, đại biểu HĐND Tp.HCM cho rằng, giới hạn của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là chỉ được mua căn hộ, trong khi chi phí ở Tp.HCM rất đắt đỏ. Để sở hữu được nhà ở thương mại có diện tích và giá mua theo quy định của chính sách thì người mua nhà ở có thu nhập thấp chỉ có thể ra vùng ven và ở chung cư. Trong khi có nhiều người dân đang thiếu nhà ở nhưng nếu phải ra ngoại thành mua căn hộ để được vay lãi suất ưu đãi thì không nằm trong tính toán của họ bởi bất tiện trong việc học hành, làm việc của cán bộ công chức.

Quan hệ 3 bên giữa người mua nhà với chủ đầu tư và ngân hàng cũng gây vướng mắc trong giải ngân. Thông thường mỗi một chủ đầu tư đều có quan hệ với một ngân hàng để xây dựng dự án nhà ở thương mại. Thế nhưng người vay vốn mua nhà để ở chỉ vay được ở 5 NHTM Nhà nước, đến khi ngân hàng cho vay mua nhà đề nghị NHTMCP tài trợ cho chủ đầu tư cắt một phần tài sản cho NHTM Nhà nước bên cho người dân vay mua nhà thì không bên nào chịu bên nào.

Theo đó, người dân tìm được căn hộ nhưng không nằm trong dự án ngân hàng đầu tư cũng rất khó vay vốn, vì không ngân hàng nào muốn chia sẻ tài sản thế chấp. Thuê mua căn hộ thì càng khó hơn, theo lãnh đạo một số ngân hàng hiện các DN xây dựng nhà ở mục đích để bán căn hộ thu hồi vốn nhanh để tái đầu tư. “Không ai đi vay năm ba triệu đồng/tháng để thuê mua căn hộ nếu như người ta không có hy vọng sẽ được sở hữu căn hộ” – ông Kình nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Quỹ Phát triển nhà ở Tp.HCM (HoF) cho biết, khái niệm thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng/tháng trong gói 30.000 tỷ đồng đang là một giới hạn. Tại HoF, cũng cho vay nhà ở hỗ trợ lãi suất bằng nguồn vốn tài trợ của UBND Tp.HCM từ năm 2006, dành cho người làm việc trong các cơ quan hành chính thành phố. Với lãi suất 6%/năm, hạn mức vay vốn tối đa 400 triệu đồng/hồ sơ, kỳ hạn 15 năm, không giới hạn loại nhà ở, điều kiện là người vay chưa từng sở hữu bất động sản. Hiện nay trung bình mỗi tháng HoF giải ngân khoảng 12 tỷ đồng.

“Tôi cho rằng chỉ cần nới rộng định nghĩa rộng hơn khái niệm thu nhập thấp thì chắc chắn ngân hàng không kịp chuẩn bị tiền cho vay mua nhà ở theo gói 30.000 tỷ đồng” – ông Thạch nhận định.

Nhằm giảm bớt chi phí trả nợ vay vốn mua nhà theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, NHNN chi nhánh Tp.HCM kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian vay vốn từ 10 năm lên 20-30 năm để giảm gánh nặng trả nợ hàng tháng cho người mua nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Tp.HCM cho biết, tính đến hết tháng 9/2013, có 22 tỷ đồng được giải ngân cho 58 khách hàng thì chỉ có 2 khách hàng mua nhà ở xã hội, còn lại khách hàng mua nhà ở thương mại. Mặc dù tổng số hồ sơ các ngân hàng cam kết và đã phê duyệt cho vay lên đến 137 khách hàng với tổng hạn mức cho vay 78,4 tỷ đồng.

(Theo TBNH)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM