Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

“Trong nguy có cơ”, những điểm sáng BĐS nổi sóng giữa đại dịch

Cập nhật: 18/11/2020 13:33

Covid-19 đã gây nên hệ lụy lớn với nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự thách thức này. “Trong nguy có cơ”, BĐS vẫn có những điểm sáng giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.

Sự sụt giảm mạnh của các đầu tàu kinh tế thế giới là minh chứng rõ ràng cho những tác động tiêu cực của đại dịch. Các chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho rằng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 thì Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất. Mức độ tàn phá với nền kinh tế của đại dịch còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính 2008. GDP của Mỹ được IMF dự đoán là sẽ giảm 6,6% trong năm nay. Singapore, Hồng Kông những con rồng kinh tế Châu Á Thái Bình Dương cũng rơi vào kịch bản sụt giảm tương tự. Mới đây, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã dự báo tăng trưởng nền kinh tế Singapore có thể giảm sâu hơn xuống dưới mức dự báo trước đó là âm 4% đến âm 1%. Số liệu từ chính quyền Hồng Kông cho biết nền kinh tế này đã giảm 9% trong quý 2 so với một năm trước.

BĐS – một thành tố quan trọng cấu thành nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch bệnh. Tại những nền kinh tế lớn vừa nêu, giao dịch BĐS đình trệ. Hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng mặt phố ế ẩm. Người tiêu dùng không có khả năng thanh toán tiếp tiền nhà hoặc tiền đi thuê.

Tại Mỹ, một báo cáo vào đầu tháng 7 cho thấy trong tháng 5 có khoảng 4,3 triệu công dân Mỹ đã không thanh toán các khoản vay mua BĐS hoặc tiền thuê nhà đến hạn. Tỉ lệ nợ tiền mua và tiền thuê nhà đạt mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay. Tại Hồng Kông, theo dữ liệu của Savills, tùy từng khu vực, căn hộ cao cấp đã giảm giá từ 1,6-3,6%.

Đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, BĐS kho bãi là điểm sáng
của thị trường đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh

Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm đó, thị trường BĐS thế giới vẫn có những điểm sáng nhất định là sự khởi sắc của BĐS thương mại kho bãi. Giãn cách xã hội và việc hạn chế đi lại khiến xu hướng mua sắm trực tuyến của người dân tăng mạnh, tất yếu kéo theo sự phát triển mạnh của hệ thống kho bãi – là nơi để chứa hàng hóa. Giá thuê kho bãi tại rất nhiều thị trường đã và đang tăng cao.

Dù là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt thế nhưng trong sự suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Cũng theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt 1,81%. Đây là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Thị trường BĐS cũng chịu những tổn thất nặng nề. Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, 8 tháng đầu năm 2020 có 923 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Nguồn cung và giao dịch của thị trường sụt giảm mạnh. BĐS thương mại (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê) và BĐS nghỉ dưỡng là những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề. Số liệu từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho biết có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS phải dừng hoạt động trong thời gian qua.

Tuy nhiều phân khúc rơi vào tình trạng đóng băng, thanh khoản giảm nhưng BĐS công nghiệp và BĐS kho bãi Việt Nam nổi lên như những điểm sáng của thị trường. Với lợi thế về giá nhân công rẻ, hạ tầng phát triển, chính sách hỗ trợ hấp dẫn của Chính phủ và khả năng khống chế dịch bệnh hiệu quả, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, BĐS khu công nghiệp vẫn thu hút khách thuê, giá thuê tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2019. BĐS kho bãi Việt Nam cũng tăng trưởng cùng với sự phát triển của thương mại điện tử.

Có thể nói Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức với thị trường BĐS. Bên cạnh khó khăn, đây cũng là cơ hội cho sự phát triển của nhiều phân khúc, thị trường khác. Vấn đề là nhìn ra cơ hội và phát triển cơ hội đó. Trong “nguy có cơ”, những thành tố tham gia vào thị trường phải có sự chuyển mình, tìm hướng đi riêng để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Với chủ đề "Thay đổi để thích ứng", Hội nghị BĐS Việt Nam - VRES 2020 cũng phân tích những thay đổi của người tìm kiếm BĐS và cách thức các doanh nghiệp BĐS cần làm để thích ứng với những thay đổi đó; các xu hướng sản phẩm BĐS mới trên thế giới và các loại hình sản phẩm BĐS phù hợp cho sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam trong tương lai… Tất cả những nội dung đáng chú ý này sẽ được trình bày tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt vào ngày 8/12 và 11/12 tới đây.

VRES 2020 dự kiến đón khoảng 1.200 khách mời là các nhà Lãnh đạo, quản lý cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh BĐS, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí hàng đầu tại Việt Nam.

Theo ThanhnienViet

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM