Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Vốn xây dựng TP. Thủ Đức lấy từ đâu?

Cập nhật: 07/09/2020 08:05

Trong buổi tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP. Thủ Đức - thành phố sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” mới được tổ chức, nguồn vốn để xây dựng thành phố đã được mang ra bàn thảo.

Cụ thể, GS. Trần Ngọc Thơ đặt ra 3 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, dự án này phải tính đến hành vi thay đổi vĩnh viễn của con người, các tập đoàn tài chính, các tập đoàn đa quốc gia sau đại dịch Covid-19. Nếu không tính đến thì rất dễ mắc sai lầm. Ông Thơ lấy ví dụ trung tâm tài chính quốc tế Dubai của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất được xây dựng trên nền tảng các nhà hàng cao cấp, khách sạn 5-6 sao, cửa hàng siêu thị bán lẻ khổng lồ... nhưng ngày càng vắng khách và đang có nguy cơ phá sản. GS. Trần Ngọc Thơ băn khoăn thành phố Thủ Đức sau này có thể trở thành thành phố chết hay không. Vấn đề thứ hai là TP.HCM lấy vốn từ đâu để đầu tư. Vấn đề thứ ba là nguồn vốn chảy ra chảy vào cho các trung tâm này phải được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, bảo mật ra sao.

Các chuyên gia cho rằng không nên lấy nguồn vốn từ quỹ đất để xây dựng TP. Thủ Đức

Về nguồn vốn từ đâu, theo ông Thơ, có ý kiến đề cập đến quỹ đất nhưng quỹ đất là hữu hạn. Để có dòng tiền vô hạn, cần có môi trường và thể chế pháp lý thu hút đầu tư, tạo khu kinh tế đặc biệt để dòng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào tự do, chế độ visa thế nào để thu hút 8 triệu dân đến sống và làm việc nhanh chóng...

Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố, trong nguyên lý đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển dần cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đất đai khu vực này xuất hiện tình trạng đầu cơ, do đó nên khoán phí đầu tư hạ tầng của thành phố đó trên từng m2 đất và mỗi m2 đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng. Hễ ai là chủ đất đều phải đóng góp chứ không phải nhà nước bỏ ra hết.

Cho ý kiến, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói, thành phố cần có vốn ngân sách để làm vốn mồi, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó cần thay đổi cơ chế, thể chế, bỏ Hội đồng nhân dân quận, phường để tránh làm kéo dài thời gian thực hiện một dự án.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, còn nhiều vấn đề liên quan đến lộ trình phát triển. Về nguồn vốn xây dựng sẽ từ ngân sách, vốn quốc tế và từ các nhà đầu tư.

Theo ThanhnienViet

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM