Nhiều trung tâm môi giới bất động sản giở mánh khoé bắt tay với chủ nhà, "mượn" tạm một căn nhà để dẫn khách đến xem và trơ trẽn thu tiền môi giới của khách.
Trong khi quỹ đất dành cho việc xây nhà trọ ở Thủ đô ngày càng eo hẹp thì nhu cầu thuê nhà lại càng mở ra. Bất cứ một thông tin "cho thuê nhà" nào hở ra, ngay lập tức trên một số trang web về nhà đất và trung tâm môi giới "copy" lại, biến thành quảng cáo của mình. Chỉ khổ cho những người đang có nhu cầu bị lừa một cách không thương tiếc.
"Copy" thông tin
Hơn một năm nay, máy điện thoại của anh Phạm Đình Hải ở quận Thanh Xuân, Hà Nội liên tục "nóng rẫy" khi có vài chục cuộc gọi đến mỗi ngày để hỏi thuê nhà. Ngay cả ban đêm cũng có khách gọi khiến anh Hải thấy rất phiền. Sau khi tìm hiểu, anh Hải mới vỡ lẽ, thông tin anh rao cho thuê căn nhà tập thể ở Thanh Xuân Bắc trên mạng "rồng bay.com" cách đây hơn 1 năm đã được một trang web về nhà đất copy, sau đó đăng thông tin trên mạng của họ từ bấy đến nay.
Mặc dù căn nhà này anh Hải đã cho thuê hơn một năm, nhưng trang web này không những copy lại nội dung mà còn đến tận nơi để quay video căn nhà của anh rồi đưa lên mạng. Ngày 23/9/2010 anh Hải lên trang web này và đã thấy tại mục rao cho thuê nhà của anh có 3.929 lượt người vào xem.
Theo quảng cáo trên trang web này thì đây là trang web chất lượng nhất từ trước đến nay, là nơi duy nhất mọi tin đăng đều chính chủ, có ảnh thật, có video thực tế… Tuy nhiên, chính vì "chất lượng nhất từ trước đến nay" mà trang web này đã gây phiền nhiễu cho chủ nhà, sự kỳ vọng cho người có nhu cầu thuê nhà, đồng thời khiến họ mất chi phí liên lạc. Không chỉ có vậy, hiện nay một số trang web đăng thông tin xong nhưng không gỡ xuống, hoặc lúc "bí" thông tin lại "trưng" lên trang đầu khiến khách hàng lầm tưởng, còn chủ nhà thì bị làm phiền liên tục.
Tuy đã cho thuê hơn 1 năm nay, nhưng căn nhà của anh Hải vẫn được đăng tại mục cho thuê, còn quay cả video.
Nhiều chiêu “móc túi” khách
Vừa tốt nghiệp đại học tháng 6/2010, anh Nguyễn Trung Hậu, quê ở Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh đã phải đổi chỗ ở đến hai lần do cả hai lần thuê nhà anh đều nhờ trung tâm môi giới nhà đất và bị ngậm quả đắng. Theo anh Hậu thì anh thuê nhà qua trung tâm môi giới nhà đất ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Trung tâm này quảng cáo có căn nhà ở Mai Dịch, rộng 20m2, giá 1,7 triệu đồng, độc lập, điện nước đầy đủ.
Anh Hậu mừng quá đóng tiền phí môi giới 150 nghìn đồng và theo nhân viên của trung tâm đi xem nhà. Đến nơi anh Hậu chưng hửng khi căn phòng chỉ rộng 14m2, bếp, nhà vệ sinh chung với chủ, đặc biệt "hãi" hơn khi ngay ở dưới căn phòng là cái chuồng lợn với vài con lợn đang kêu ầm ĩ. Anh Hậu chối đây đẩy, nhân viên bảo ngày mai anh tới họ sẽ dẫn đi xem hai căn nhà nữa, nếu không ưng thì mất số tiền môi giới đã đóng.
Để lôi kéo khách, một số trung tâm lấy danh nghĩa là chủ nhà cho thuê hoặc cần bán. Họ dùng "chiêu" in tờ rơi quảng cáo nhà cho thuê với danh nghĩa chính chủ kèm theo số điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ cụ thể, thậm chí còn rao (miễn trung gian). Khách hàng đến nơi mới té ngửa là trung tâm môi giới nhà đất, người cảnh giác thì quay về, còn lại đa phần nhờ trung tâm tìm nhà cho luôn. Nhiều trung tâm còn giở mánh khoé bắt tay với chủ nhà, "mượn" tạm một căn nhà để dẫn khách đến xem và trơ trẽn thu tiền môi giới của khách.
Trong một lần lên mạng để tìm nhà trọ cho đứa cháu vừa đỗ đại học, tôi vui mừng khi bấm số máy hỏi thuê một căn nhà tập thể ở Trung Tự, phía đầu dây cho biết "vẫn còn chỗ". Sau một hồi nói chuyện tôi mới biết người đăng thông tin là sinh viên, làm thêm nghề môi giới với công dẫn đường 200 nghìn. Tôi chấp nhận vì muốn được việc. Nhưng ngay sau đó, khi vào một trang web nhà đất khác, tôi thấy nội dung rao cho thuê căn phòng giống hệt lúc trước, chỉ khác tên và điện thoại người rao, giá thuê là 2,5 triệu đồng (giá cậu sinh viên kia giao là 2,8 triệu/tháng). Tôi liền bấm máy, lần này gặp đúng chủ nhà mà không phải là môi giới, tuy nhiên nhà đó đã cho thuê được 3 ngày rồi.
Dịch vụ thuê nhà đang trở thành vấn đề "hot" khi nhu cầu thuê nhà của người dân ngoại tỉnh về Hà Nội học tập và làm việc ngày càng tăng. Việc thành lập các trung tâm môi giới nhà đất hiện quá dễ dàng, chỉ cần một địa điểm tạm bợ, một chiếc bàn, một nhân viên ngồi ký hợp đồng là xong. Trong khi đó, công tác kiểm tra (hậu cấp phép) ở các trung tâm môi giới nhà đất này hiện vẫn bỏ trống, khiến họ thả sức khuynh đảo thị trường, thậm chí "nay ở, mai đi" hoặc "biến mất" cũng chẳng cơ quan nào đứng ra thống kê.
Đồng chí Mạc Đình Thắng, Phó Trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu cho biết, hầu hết các nạn nhân đều không trình báo với cơ quan Công an nên rất khó xác định việc các trung tâm môi giới nhà đất này lừa khách hàng hay không. Để tránh mất tiền oan, khi ký kết hợp đồng, khách hàng phải đọc và tìm hiểu kỹ. Nếu thấy có dấu hiệu khả nghi phải đến trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất.
(Theo CAND)