Là một thuật ngữ không còn xa lạ nhưng nhiều người vẫn không hiểu rõ, hiểu đúng về nhà công vụ. Vậy nhà công vụ là gì, có phải cứ là công chức mới được thuê ở nhà công vụ hay không và quy trình, thủ tục thuê nhà công vụ như thế nào là đúng luật?
1. Nhà công vụ là gì?
Đúng như tên gọi, nhà công vụ là loại hình nhà ở được xây dựng trên nguồn quỹ công do Nhà nước cấp và chỉ dành cho những người làm việc công, tức là các cán bộ, người có chức, có quyền hoặc người làm những nhiệm vụ đặc thù cho Tổ quốc. Không giống với nhà ở thông thường, nhà công vụ ngoài việc dùng để ở còn có các chức năng khác như tiếp khách hoặc phục vụ các công việc chung khác, tùy theo nhiệm vụ được giao.
Thời gian sử dụng nhà công vụ
Thời gian sử dụng của nhà công vụ không phải là mãi mãi mà chỉ được quy định trong một thời gian nhất định. Cán bộ đó có thể được cấp hoặc thuê lại nhà ở công vụ với mức giá thấp và sử dụng trong thời gian còn đảm nhận chức vụ, công tác.
2. Đối tượng và điều kiện để được thuê ở nhà công vụ
Đối tượng được thuê nhà công vụ
Theo Điều 32 Luật Nhà ở năm 2014, có 7 nhóm đối tượng được thuê nhà công vụ, cụ thể bao gồm:
- Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;
- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên.
- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm b khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang.
- Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
- Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
- Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
Điều kiện được thuê nhà công vụ
Tùy theo nhóm đối tượng được thuê nhà công vụ mà điều kiện đặt ra sẽ khác nhau. Ví dụ, người muốn thuê nhà công vụ là cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì phải đang trong thời gian đảm nhận chức vụ (thuộc điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở năm 2014) và được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh. Với những đối tượng thuộc 6 nhóm còn lại thì điều kiện để được thuê nhà ở công vụ đó là phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác.
Người thuê cần đảm bảo những điều kiện nhất định để được thuê nhà ở công vụ. Ảnh minh họa: Internet
3. Trình tự, thủ tục thuê nhà công vụ
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Đối tượng thỏa mãn các điều kiện thuê nhà công vụ cần chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị thuê nhà ở công vụ (theo mẫu) có xác nhận của cơ quan đang trực tiếp quản lý
- Bản sao quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công tác có xác nhận của cơ quan ra quyết định hoặc cơ quan đang trực tiếp quản lý cán bộ, công chức.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Trong 10 ngày từ khi nhận đơn đề nghị thuê nhà ở công vụ, cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người có nhu cầu thuê nhà ở công vụ kiểm tra và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định cho thuê nhà ở công vụ hay không.
- Trường hợp nhà ở công vụ của Chính phủ: Cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người có nhu cầu thuê nhà ở công vụ đăng ký thuê nhà ở công vụ với Bộ Xây dựng
- Trường hợp nhà ở công vụ của các Bộ, ngành được giao quản lý: Cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành đó đang quản lý người đề nghị thuê nhà ở công vụ đăng ký thuê nhà ở công vụ với cơ quan quản lý nhà ở công vụ trực thuộc Bộ, ngành nêu trên.
- Trường hợp nhà ở công vụ của địa phương do UBND cấp tỉnh quản lý: Cơ quan, tổ chức đang quản lý người đề nghị thuê nhà ở công vụ đăng ký thuê nhà ở công vụ với Sở Xây dựng.
Buớc 3: Xem xét giải quyết hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quỹ nhà ở công vụ hiện có và tiêu chuẩn nhà ở công vụ để xem xét việc phê duyệt đơn đề nghị thuê nhà công vụ đó hay không. Thời hạn đưa ra quyết định là trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người có nhu cầu thuê nhà ở công vụ. Trường hợp không đủ điều kiện thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Bước 4: Ký kết hợp đồng cho thuê nhà công vụ
Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho thuê nhà ở công vụ gửi Quyết định bố trí cho thuê đến đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ, cơ quan đang trực tiếp quản lý người thuê và người được thuê nhà ở công vụ. Sau đó, các cơ quan này sẽ cùng phối hợp trong việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ. Bên thuê và bên cho thuê (cơ quan quản lý nhà công vụ|) sẽ trao đổi và ký kết hợp đồng thuê nhà ở công vụ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.
Bước 5: Thanh toán tiền thuê nhà ở công vụ
Người thuê nhà ở công vụ thanh toán tiền thuê nhà ở công vụ theo đúng số tiền và thời hạn đã ghi trong Hợp đồng thuê nhà ở công vụ theo luật định.
Qua bài viết trên đây, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm nhà công vụ, đối tượng và điều kiện được thuê nhà công vụ cũng như quy trình, thủ tục thuê ở loại hình này. Cùng với các bài viết khác trên Khonhadat.vn như: Nhà ở thương mại là gì, quy định về nhà ở xã hội , hy vọng bạn đọc có thêm những thông tin hữu ích liên quan đến các loại hình bất động sản.