Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Quyền định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

Cập nhật: 30/10/2013 20:56

Hỏi: Gia đình tôi có một thửa đất 5.500m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ký ngày 12/12/1998 cho hộ bà A. do bà nội tôi đứng tên. Thời gian này, trong sổ hộ khẩu gia đình có 9 nhân khẩu, trong đó tôi và một người em sinh năm 1997 là cháu ruột.

Năm 1990 bà nội tôi đồng ý cho cha mẹ tôi một miếng đất để xây đựng nhà ở trong phần đất của hộ gia đình nhưng cho bằng miệng không có giấy tờ nào cả. Đến năm 2003 nhà tôi được cấp số nhà do ba tôi đứng tên, năm 2007 ba tôi qua đời và không để lại di chúc. Trong thời gian đó bà nội tôi và các chú đi làm giấy tờ đất nhưng không được.

Ngày 24/12/2012, các chú gọi gia đình tôi ra phòng công chứng quận 9 ký giấy tờ đất và nói chỉ cần ký xác nhận là được đất. Nghe vậy gia đình tôi đã ký vào tờ biên bản thỏa thuận phân chia di sản của ba tôi mà không ngờ đó là giấy tờ buộc gia đình tôi trao trả lại phần thừa kế lại cho bà nội. Khi về nhà đọc kỹ lại gia đình tôi mới hiểu ra mọi chuyện nhưng đã quá trễ.

Trước tôi có đọc thấy trong giấy chứng nhận và sổ hộ khẩu do bà nội tôi đứng tên có tên tôi (lúc đó mới 8 tuổi), người em ruột (2 tuổi) và mẹ tôi. Xin hỏi, như vậy gia đình tôi có phải là thành viên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà nội tôi đứng tên hay không? Nếu bà nội tôi phân chia tài sản thì gia đình tôi được nhận gì?

Mong được luật sư tư vấn, chỉ dẫn. Chân thành cảm ơn.

ngoc tan (tanngoc1991@... )

Trả lời

Bộ luật dân sự có ghi nhận, hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.

Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Điều 43 khoản 3 mục b của Nghị định 181 ngày 29-10-2004 về thi hành Luật Đất đai cũng thể hiện, trường hợp hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình thì giấy chứng nhận chỉ ghi tên chủ hộ.

Thông tư số 17 ngày 21-10-2009 của Bộ Tài nguyên - môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tiếp tục ghi nhận "đối với hộ gia đình, thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của giấy chứng nhận thì ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, số giấy chứng minh nhân dân (nếu có) của người đại diện hộ gia đình (là thành viên của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình) theo quy định của pháp luật dân sự".

Như vậy, theo những quy định trên, hộ gia đình cũng là một chủ thể sử dụng đất. Chủ hộ, người được đứng tên trên giấy chứng nhận, chỉ là người đại diện của hộ gia đình đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho hộ gia đình.

Thế nào là hộ gia đình?

Bô luật Dân sự hiện hành khẳng định hộ gia đình có thể là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, pháp luật đất đai, đồng thời ghi nhận, hộ gia đình là một chủ thể sử dụng đất. Tuy nhiên, chưa định nghĩa rõ ràng khái niệm như thế nào là hộ gia đình, do vậy, cũng chưa đưa ra tiêu chí nào để xác định các thành viên trong hộ gia đình đó.

Tuy nhiên, hiện nay, cách xác định phổ biến về thành viên hộ gia đình là căn cứ vào sổ hộ khẩu.

Nếu căn cứ vào sổ hộ khẩu thì mẹ của bạn, em của bạn, bản thân bạn, được xác định là thành viên của hộ gia đình bà A., có quyền sử dụng, định đoạt đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình bà A..

Trân trọng.

Luật sư Đoàn Thị Ngọc Linh (Trung tâm tư vấn pháp luật số 1 Tp.HCM)

(Theo TTO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM