Khu vực Tu Bông sẽ là thị tứ quan trọng, là “bàn đạp” để cung cấp các dịch vụ trong giai đoạn đầu đầu tư vào bán đảo Hòn Gốm và khu kinh tế Vân Phong, theo Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn (VIAP), đơn vị thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.
Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, bộ này vừa tổ chức thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong tại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 do VIAP thực hiện.
Theo quy hoạch điều chỉnh, khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm cảng trung chuyển container quốc tế, cảng nước sâu, các ngành công nghiệp gắn với lợi thế cảng nước sâu, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. Quy hoạch cũng xác định, khu kinh tế này sẽ đóng vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Cụ thể, khu trung tâm là bán đảo Hòn Gốm được quy hoạch làm khu hậu cảng (đã được tỉnh Khánh Hòa phê duyệt) để phục vụ cho cảng nước sâu và khu vực Tu Bông sẽ là thị tứ quan trọng nhất của Vân Phong vì nằm gần bán đảo Hòn Gốm, có dân cư sinh sống, là bàn đạp quan trọng để cung cấp các dịch vụ trong giai đoạn đầu đầu tư vào bán đảo Hòn Gốm.
Bàn đồ quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030. Ảnh: Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong.
Riêng khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang, quy hoạch này đã điều chỉnh lại (so với quy hoạch năm 2005) không gian xây dựng với tuyến đường chạy theo hướng Bắc Nam, vì hiện nay hướng đường khu vực này theo gió Đông Bắc là không khoa học (có gió mạnh); và đây cũng là không gian để phát triển sinh thái cộng đồng với bãi biển dài hơn 10 km… Quy hoạch mới còn có khu vực dự trữ phát triển là 500 ha.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 đã đánh giá khá đầy đủ về tình hình thực địa. Tuy nhiên, cần có những đánh giá và dự báo về kinh tế toàn cầu, xem xét lại quy hoạch sử dụng đất, tránh phát triển dàn trải, vừa lãng phí đất đai, vừa không thể đầu tư phát triển được hạ tầng…
Phát biểu tại cuộc họp gần đây của Bộ Xây dựng liên quan đến quy hoạch trên, bà Linh cho rằng, đồ án đã đi vào từng vấn đề chi tiết nhưng còn thiếu cái nhìn tổng thể gắn với nhu cầu phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Theo bà Linh, đồ án cần quan tâm đến cấu trúc phát triển của khu kinh tế Vân Phong, tính chất các khu công nghiệp phù hợp với cảng, cũng như có những phân tích về mối liên hệ với vùng Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa và sự phát triển liên vùng.
Để đồ án tốt hơn, theo Bộ Xây dựng, tỉnh Khánh Hòa cần tính toán quy mô dân số và quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quỹ đất xây dựng cho hợp lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất. Tỉnh cũng cần rà soát, có kế hoạch phát triển trước khi phân bổ vốn đầu tư. Sự phát triển của Vân Phong cần phải được phân kỳ và đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể để tiết kiệm quỹ đất, tập trung kêu gọi đầu tư…
Bà Linh đề nghị UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với VIAP nghiên cứu các ý kiến, các đề xuất, bổ sung chỉnh sửa đồ án kịp thời để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
"Theo quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến 2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 51/2005/QĐ-TTg năm 2005), khu kinh tế Vân Phong có tính chất là khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. Khu kinh tế này có tổng diện tích 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước) gồm hai khu chức năng chính: khu phi thuế quan và khu thuế quan.
Tuy nhiên, theo chính quyền tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã phát sinh một số nhu cầu đầu tư phát triển khác với nội dung quy hoạch được duyệt trước đây. Trong đó, có một số dự án có trong quy hoạch nhưng có nhu cầu điều chỉnh lại vị trí và quy mô; một số dự án đã đăng ký đầu tư hoặc đang triển khai nhưng chưa có trong quy hoạch trước đây; một số dự án cần tiếp tục được bổ sung vào quy hoạch; một số dự án đã được quy hoạch nhưng dự kiến không tiếp tục thực hiện..."
(Theo TBKTSG)