UBND Tp.HCM đã phê duyệt quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu của TP (khu 930ha) quy định chi tiết những tiêu chí kiến trúc cụ thể cho từng ô phố của khu trung tâm.
Ông Trương Trung Kiên
Dựa vào quy chế này, người dân có thể biết nhà mình được xây mấy tầng, khoảng lùi, mật độ xây dựng ra sao... Ông Trương Trung Kiên, trưởng Phòng quản lý quy hoạch khu trung tâm Sở Quy hoạch - kiến trúc Tp.HCM, cho biết:
- Với quy chế này, UBND TP muốn công khai thông tin quy hoạch, giảm thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian làm thủ tục cho các chủ đầu tư dự án và người dân. Quy chế quy định các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc như hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, khoảng lùi lđến từng ô đất cụ thể. Người dân có thể lấy thông tin từ quy chế này để làm bản vẽ thiết kế đề nghị cấp giấy phép xây dựng mà không cần phải xin cấp phép quy hoạch như trước kia.
* Lâu nay có tình trạng các chủ đầu tư dự án, các chủ nhà luôn muốn xin các chỉ tiêu quy hoạch cao hơn tiêu chuẩn như tăng hệ số sử dụng đất, tầng cao, mật độ xây dựng... Liệu có trường hợp nào được xây dựng cao hơn so với các chỉ tiêu đã quy định?
- Theo quy chế, nếu công trình có một trong tám điều kiện sau sẽ được ưu tiên tăng hệ số sử dụng đất (tức tăng tầng cao). Cụ thể: công trình có tạo không gian mở công cộng, kết nối giao thông công cộng, bảo tồn công trình kiến trúc lịch sử, thân thiện với môi trường, có bố trí thêm công viên, dự án thuộc khu vực chỉnh trang đô thị, kích thước và hình dáng lô đất phù hợp và lô đất giáp đường rộng từ 20m trở lên. Trong đó, nếu dự án có một trong sáu điều kiện đầu muốn tăng tầng cao phải thông qua Hội đồng Quy hoạch - kiến trúc TP trước khi trình UBND TP.
* Nhà dân hoặc các dự án muốn xây dựng thấp hơn chỉ tiêu của quy chế này có được không?
- Người dân muốn xây nhà thấp hơn chỉ tiêu chung của lô đất cũng phải theo một quy định cụ thể chứ không phải chủ đầu tư muốn thấp hơn cỡ nào cũng được. Quy chế có quy định các mức chiều cao cho những điều kiện cụ thể, nếu chủ nhà không có nhu cầu xây dựng đến chiều cao cho phép thì phải xây đến mức thấp hơn kế tiếp. Người dân nào rơi vào trường hợp này liên hệ đến cơ quan cấp giấy phép xây dựng để được hướng dẫn cụ thể.
Chủ đầu tư các công trình muốn xây dựng cao hoặc thấp hơn so với quy hoạch 1/2.000 và quy chế này phải có ý kiến của Hội đồng Quy hoạch - kiến trúc trước khi UBND TP quyết định.
* Đối với các công trình đã được UBND TP chấp thuận về tầng cao, mật độ xây dựng, hoặc đã được cấp giấy phép xây dựng... trước khi có quy chế này mà những tiêu chuẩn trên cao hơn hoặc thấp hơn quy chế thì có phải điều chỉnh dự án?
- Nếu như dự án không có thay đổi gì (về chức năng, ranh đất...) thì nội dung chấp thuận của UBND TP vẫn có hiệu lực, không phải điều chỉnh lại. Trường hợp có thay đổi thì phải thông qua ý kiến của Hội đồng Quy hoạch - kiến trúc TP trước khi trình UBND TP quyết định.
* Quy chế đưa ra danh mục hơn 200 vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử. Đơn vị quản lý hay chủ sở hữu những công trình này có được sửa chữa, cải tạo hay phải giữ nguyên?
- Quy chế chỉ đưa ra danh sách công trình nghiên cứu bảo tồn làm cơ sở để xem xét, rà soát và ban hành danh mục các công trình cần bảo tồn. Chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý muốn sửa chữa, tháo dỡ phải có ý kiến của Hội đồng Quy hoạch - kiến trúc TP.
Quy chế trên có hiệu lực từ ngày 28/6/2013. Theo quy chế, toàn TP có 23 khu vực đặc biệt được xây dựng thiết kế đô thị riêng. Cụ thể: đường Đồng Khởi, khu vực chợ Bến Thành, xung quanh công viên 23-9, Nhà hát TP, đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng... ở khu lõi trung tâm thương mại tài chính. Khu trung tâm văn hóa lịch sử có khu vực trước dinh Thống Nhất là khu vực đặc biệt. Khu bờ tây sông Sài Gòn có cụm cảng Q.4, khu Ba Son, Tân Cảng, bến Bạch Đằng... Khu thấp tầng có các biệt thự ở đường Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần, Công Trường Quốc Tế, giao lộ Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu...
Quy chế ghi nhận danh sách 204 địa chỉ dự kiến nghiên cứu để bảo tồn. Trong đó có nhiều địa điểm nổi tiếng của TP như khách sạn Continental Sài Gòn, khách sạn Majestic, văn phòng Công ty Vận tải đường sắt trước kia là sở hỏa xa, trụ sở Tòa án TP, Tổng lãnh sự quán Lào, nhiều biệt thự trên đường Tú Xương, Võ Thị Sáu...
(Theo TTO)