Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Chính sách mới sẽ giúp giải quyết tồn kho BĐS cao cấp

Cập nhật: 04/12/2014 14:57

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ThS. Trần Ngọc Quang, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam về một số nội dung mới của Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), kỳ vọng của các doanh nghiệp hội viên đầu tư kinh doanh BĐS trước thời cơ cũng như thách thức mới mà Luật tạo ra.

Ông Trần Ngọc Quang - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam.

- Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có nội dung mở cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà. Thông tin này tác động như thế nào đến thị trường BĐS hiện nay, thưa ông?

Luật Kinh doanh BĐS cũng như Luật Nhà ở mới được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung được chú ý là mở rộng quy định cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Đó là một chủ trương đúng đắn, hợp lý. Điều này đáp ứng được nhu cầu thực sự và đòi hỏi của thực tiễn của thị trường cũng như phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Nhờ các nội dung mới này của Luật, thị trường BĐS chắc chắn sẽ có thêm các cơ hội phát triển. Cụ thể, bổ sung thêm vào thị trường một lượng nhà đầu tư, khách hàng không chỉ thực sự có tiềm năng mà còn chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp BĐS Việt Nam để có thể nắm bắt, phát hiện được cơ hội, đáp ứng được nhu cầu của người mua, từ đó phát triển bền vững, chuyên nghiệp hơn.

- Thưa ông, những chính sách mới này sẽ giải quyết, tháo gỡ được hàng tồn ở phân khúc nào?

Một phần hàng hóa tồn kho phân khúc trung cấp và cao cấp sẽ được tháo gỡ nhờ tham gia sâu rộng của các cá nhân và nhà đầu tư người nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam theo quy định mới của Luật. Tuy nhiên, quy định của Luật chỉ là cho phép được thực hiện các điều đó nhưng có làm được hay không lại còn tùy thuộc vào bản thân các doanh nghiệp BĐS trong nước và hệ thống các quy định chi tiết, các chính sách, cơ chế có liên quan kèm theo.

Đơn cử như các kênh tài chính cung cấp, cơ chế tín dụng cho thị trường có được mở rộng hơn không; trình tự giải quyết các thủ tục của các cơ quan Nhà nước có được cải thiện hay không; bản thân các doanh nghiệp có thay đổi cách làm để chất lượng, minh bạch cũng như đồng bộ hơn không. Thời gian qua, việc giải quyết hàng tồn kho đã có những tiến bộ nhất định, điều đó chứng minh rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ, để đạt được mục tiêu này, không thể trông chờ vào việc đưa ra một vài quy định.

Chính sách BĐS mới sẽ giúp giải quyết hàng tồn kho tại phân khúc cao cấp và trung cấp
(Ảnh minh họa, nguồn: Vnexpress)

- Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tập hợp các thành viên và đơn vị hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tham gia vào, với tư cách Quyền Tổng thư ký Hiệp hội, xin ông cho biết, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đón nhận thông tin như thế nào?

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp thực sự phấn khởi đón nhận các thông tin này bởi họ không chỉ nhìn ra các cơ hội mới mà còn hiểu được sự quyết tâm của Nhà nước đối với việc giải quyết các vấn đề tồn đọng của thị trường BĐS.

- Về niềm tin thị trường BĐS trong thời gian sắp tới, ông đánh giá thế nào?

Trong thời gian qua, một trong các tồn tại của thị trường BĐS là niềm tin giảm sút, niềm tin của người mua với các doanh nghiệp BĐS; giữa các doanh nghiệp BĐS với nhau; giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại...

Trước khó khăn, trong thời gian qua, đã có sự gắn kết các nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề của thị trường. Kết quả của điều đó là niềm tin trên thị trường đang dần được khôi phục mà biểu hiện của nó là các giao dịch BĐS đã được tăng lên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục triển khai các dự án đang dang dở...

Nhưng việc hồi phục niềm tin còn cần sự nỗ lực dài hạn và thời gian của tất cả các thành tố trong thị trường BĐS. Trong việc cải thiện các thủ tục hành chính, Nhà nước cần có sự nỗ lực hơn. Đồng thời, cũng cần nâng cao chất lượng, sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật của đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan liên quan đến thị trường BĐS.

Còn các doanh nghiệp thì cần có sự chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư BĐS. Gần đây, một số dự án bắt đầu bán chênh lệch, tăng giá... là biểu hiện của việc không có chiến lược giá dài hạn. Đó là chạy theo các mục tiêu ngắn hạn mang tính thời vụ thay vì chạy theo lợi nhuận bền vững, điều này sẽ ngăn cản lộ trình hồi phục niềm tin trên thị trường.

(Theo Báo Xây dựng Online)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM