Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Chờ một miếng đất, metro Bến Thành - Suối Tiên nguy cơ đền 2,5 tỷ đồng/ngày

Cập nhật: 26/12/2014 16:01

Có tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chỉ vì công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát (thị xã Dĩ An, Bình Dương) chưa chịu bàn giao gần 2 ha mặt bằng. Tp.HCM đang phải đối mặt với nguy cơ phải bồi thường cho phía nhà thầu Nhật Bản 2,5 tỷ đồng/ngày vì sự chậm trễ này.

"Con sâu làm rầu nồi canh"

Ngày 16/12, một lần nữa UBND Tp.HCM đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị hỗ trợ quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm bàn giao mặt bằng của công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát cho nhà thầu trước thời điểm ngày 31/12/2014, để gói thầu số 2 thi công đúng tiến độ. Công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương của UBND Tp.HCM chỉ rõ: “Việc tiếp tục chậm trễ tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa bàn thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của dự án cũng như nguy cơ gia tăng các chi phí phải bồi thường cho nhà thầu vậy nên UBND Tp.HCM thật sự rất quan ngại về vấn đề này”.

Trong quá trình triển khai dự án metro Bến Thành - Suối Tiên từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 1.000 hộ dân, đơn vị phải giải phóng mặt bằng để nhường đất cho dự án. Hiện toàn dự án chỉ còn công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát với diện tích gần 2 ha là chưa chịu bàn giao mặt bằng. Vướng mắc ở đây là công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát không đồng ý về mức bồi thường 125 tỷ đồng cho diện tích bị giải tỏa gần 2 ha dù đã nhiều lần chính quyền thị xã Dĩ An làm việc, thương lượng.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang thi công đoạn qua sông Sài Gòn. Ảnh: Minh Quân

Do khiếu kiện kéo dài nên việc giải phóng mặt bằng đã bị trì hoãn và chậm trễ hơn 1,5 tháng so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là tỉnh Bình Dương phải bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 1 trước ngày 31/10/2014.

Dứt điểm giải phóng mặt bằng trước 31/12/2014

Theo chủ đầu tư dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị thì lẽ ra toàn bộ mặt bằng phải bàn giao cho nhà thầu Nhật Bản vào tháng 1/2013, nhưng cho đến nay, đã cuối năm 2014 vẫn còn công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát vướng lại. Nhà thầu đã bị thiệt hại nặng do họ đã huy động máy móc, nhân lực... nhưng không thể thi công vì sự chậm trễ này. Vì thế nên chủ đầu tư đã bị phía nhà thầu đòi bồi thường 2,5 tỷ đồng/ngày.

Bí thư thị xã Dĩ An, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, từ ngày 16/12, công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát (đóng tại phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An) đã niêm yết quyết định yêu cầu bàn giao mặt bằng. Nhưng khi phường mời đại diện công ty lên để công khai quyết định thì đại diện công ty viện cớ bệnh, nên không đến được. Ông Lộc cho biết: “Sau 3 ngày vận động, nếu công ty Vĩnh Phát vẫn không chịu bàn giao mặt bằng, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành các bước để cưỡng chế theo luật định”.

Ngày 18/12, khi trao đổi với PV Lao Động, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị, ông Lê Khắc Huỳnh cho biết, Ban đang phối hợp cùng chính quyền địa thị xã Dĩ An phải bằng mọi giá trước 31/12/2014 sẽ giải quyết dứt điểm mặt bằng công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát, để bàn giao cho nhà thầu.

Do từ đầu không quyết liệt

Giảng viên ĐH GTVT, Thạc sĩ Phạm Sanh cho rằng: Theo những quy định trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, việc nhà thầu Nhật Bản yêu cầu đòi bồi thường 2,5 ti đồng/ngày vì chậm bàn giao mặt bằng là điều bình thường. Việc cần bàn ở đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền. Dự án được khởi công từ năm 2008, nhưng gần 7 năm qua khâu bàn giao mặt bằng vẫn chưa giải quyết xong.

Đáng nhẽ, chủ đầu tư phải lường trước được sự việc này ngay khi đàm phán và ký hợp đồng liên quan đến những điều khoản phạt hợp đồng vì chậm bàn giao mặt bằng. Khi đó, chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền các địa phương làm quyết liệt ngay từ đầu, gặp gỡ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng để thương thảo, thuyết phục.

Dự án metro số 1 theo kế hoạch ban đầu thì vào năm 2018 sẽ hoàn thành. Nhưng công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ suốt thời gian qua khiến cho tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác của tuyến metro này phải kéo dài đến năm 2020.

(Theo Lao động)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM