So với cùng kỳ năm trước, những ngày cuối năm 2014, thị trường bất động sản Hà Nội sôi động hơn hẳn. Từ những dự án mới "ra lò" đến những dự án còn trong dự kiến bàn giao đều rộn ràng kẻ tìm hiểu, người giao dịch...Phân khúc thuê mặt bằng kinh doanh cũng nhộn nhịp không kém.
Đau đầu môi giới
Thị trường bất động sản cho thuê đang có diễn biến trái chiều. Theo thông tin tham khảo từ một số đơn vị tư vấn ngoại, tỷ lệ văn phòng bỏ trống khá cao với phân khúc cho thuê diện tích văn phòng lớn, thuộc hạng cao cấp - kèm tiện ích tốt, vị trí trung tâm hoặc tiệm cận vành đai 3.
Đơn cử, cuối quý III, văn phòng hạng A trống tới 35,1% do nguồn cung tăng thêm từ Lotte Center Hà Nội (CBRE thống kê). Nhưng tới đầu tháng 12, ngay cả Lotte Center cũng ế tới 75% diện tích văn phòng.
Ngược lại, những nhà môi giới nhỏ lẻ khu vực nội thành lại rất lạc quan về mức giao dịch lẫn giá trị hợp đồng thuê trong khu vực thuê mặt bằng thổ cư làm văn phòng, trụ sở kinh doanh. Ví dụ như tại khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, các môi giới cho biết, từ tháng 10 đã có khá nhiều khách hàng đơn lẻ lẫn DN tìm kiếm sản phẩm thổ cư thỏa mãn các yếu tố: mặt đường lớn, tiện giao thông, thuộc trung tâm các quận nội đô... Những mặt bằng này được khách ưa chuộng và sẵn sàng trả giá cao nếu chủ nhà đồng ý ký hợp đồng 1 năm trở lên.
Có cùng nhận định như trên, Tuấn Minh, phụ trách văn phòng môi giới tại tam giác Trần Duy Hưng - Đỗ Quang - Nguyễn Thị Định còn đưa ra ví dụ về trường hợp giao dịch ở phố Cát Linh. Cụ thể, khách hàng là một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nội thất nhờ môi giới tìm giúp nhà thổ cư ở mặt đường hoặc ngõ rộng để đặt văn phòng đại diện. Sau khoảng 1 tháng, Tuấn Minh đã tìm được căn nhà mặt đường mặt tiền 4,5m, xây 2 tầng với tổng diện tích mặt sàn ngót 100m2. Chủ nhà rất hợp tác và hai bên đã đồng ý mức giá 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vụ giao dịch này đang gặp "chướng ngại vật" khi khách hàng nắm bắt được thông tin về GPMB liên quan tới thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nếu giá bán chính thức vọt lên so với công bố trước đó thì vụ giao dịch này có nguy cơ...đổ bể.
Tuấn Minh giải thích, trục phố Cát Linh và đầu nối thông sang đường Hào Nam đang có khá nhiều đơn hàng “treo”. Ngay cả những người “làm nghề” dịch vụ giàu kinh nghiệm nhất, chuyện thuyết phục khách xuống tiền thuê thổ cư đẹp - giá mềm ở trung tâm quận Đống Đa khó… như lên trời.
Giá bất động sản đang khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu dự đoán. Ảnh minh họa
Một môi giới tên Lê Anh cũng tiết lộ: “Phần nhiều các căn nhà ở diện GPMB do thuộc quy hoạch xây dựng đoạn ga đầu tuyến Cát Linh - Hà Đông chủ yếu nằm trên mặt đường Cát Linh hoặc đoạn ngõ 35 sang Hào Nam. Nhưng vì tham lam, trong thời gian chây ì di dời, nhiều chủ nhà sẽ sẵn sàng “lừa” môi giới và khách hàng để cho thuê căn nhà mình đã nhận tiền đền bù nếu có cơ hội”.
Tuy nhiên cũng chỉ có một số ít môi giới làm ăn thiếu lương tâm (bưng bít thông tin với khách hàng ít hiểu biết, bắt tay với gia chủ để lừa khách ký hợp đồng thuê nhà thuộc diện giải tỏa), còn lại hiện nay đa số các môi giới trước khi tư vấn cho khách thuê đều chủ động tìm thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của dự án/căn nhà mình môi giới.
Nhà đầu tư hoa mắt
Dù thị trường bất động sản thời gian qua đã không còn chỗ cho nhà đầu cơ ôm hàng, lướt sóng nhưng tình trạng thông tin nhập nhằng của thị trường địa ốc vẫn khiến nhiều nhà đầu tư "đổ mồ hôi hột" trong việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp. Vì nếu không tỉnh táo lựa chọn dự án nhà đầu tư có thể "ôm hàng" mà chết như chơi.
Chẳng hạn như thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư lẫn các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Thủ đô quan tâm tới 2 dự án NƠTM là Home City (Trung Kính) và FLC Complex 36 Phạm Hùng (Từ Liêm).
Cao ốc TTTM và chung cư trung - cao cấp của Tập đoàn FLC đang nằm trong kế hoạch kinh doanh của không ít cá nhân/đơn vị thứ cấp. Về thông số kỹ thuật, dự án của FLC hoàn toàn ổn trước thang điểm vị trí - tiện ích hạ tầng giao thông - trung tâm hành chính văn hóa mới của Hà Nội tại phía Tây. Dự án này càng được chú ý hơn khi một lãnh đạo của CBRE Việt Nam nhận định: “Nếu dự án bảo đảm tiến độ như cam kết, thiết kế về diện tích, giá hợp lý thì rất thuận lợi trong khâu bán hàng”.
Lập tức thông tin rao bán suất tại dự án tràn ngập trên nhiều trang web với tiền “chênh” từ 2 - 5 giá so với 23 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư công bố đầu tháng 8. Nhưng giữa quý II thì Tổng giám đốc FLC khẳng định chủ đầu tư chưa... thông qua phương án bán hàng khiến nhiều nhà đầu tư...chưng hửng!
Còn dự án 36 Phạm Hùng cũng được rao bán khá nhiều trong thời gian gần đây, từ khoảng tháng 12. Nhiều sàn giao dịch uy tín cũng đăng thông tin mở bán với nhiều thông số giá cả khác nhau từ 23 triệu đồng/m2 cả VAT, 24 triệu đồng/m2 hay bí ẩn hơn là “thỏa thuận”… khiến nhiều nhà đầu tư sốt ruột "ngóng hàng".
Hiện tượng trên không có gì bất thường và sai pháp luật, bởi đó là vận động vốn dĩ lâu nay của thị trường thứ cấp, của lực lượng đầu cơ đang ngấp nghé quay lại thị trường.
Vấn đề nằm ở chỗ, rất nhiều nhà đầu tư đang thắc thỏm về thời điểm mở bán của dự án- điều hiếm thấy vào thời gian trước đây khi thị trường "bất động". Thậm chí họ đã chuẩn bị nguồn tài chính hùng hậu, sẵn sàng đổ vào dự án "đẹp" bất cứ lúc nào.
Một nhà đầu tư kiêm lãnh đạo một sàn giao dịch cho biết: “Chủ đầu tư hẹn mở bán trong tháng 12. Nay đã gần kề, lại vướng dịp Tết Dương lịch và Giáng sinh. Rất nhiều người đã sẵn sàng tiền để đặt cọc từ đầu tháng, nhưng DN vẫn án binh bất động. Giả như giá bán chính thức vọt lên so với công bố thời gian trước thì... sợ lắm”.
Rõ ràng tình hình thị trường bất động sản dù rất mừng trước những tín hiệu tích cực nhưng cũng đang diễn biến khá phức tạp. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư tuy nhiều nhưng không dễ dàng chút nào. Và cuộc chiến cân não trên thị trường bất động sản vẫn đang tiếp tục.
(Theo Thời báo Kinh doanh)