Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Chủ dự án chây ì "sổ đỏ": Vẫn lúng túng trong xử phạt

Cập nhật: 16/12/2014 10:11

Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có hiệu lực từ ngày 25/12. Nghị định quy định rằng, mức xử phạt cho hành vi chây ì cấp giấy chứng nhận của chủ đầu tư mức cao nhất sẽ lên đến 1 tỷ đồng. Mức phạt mạnh tay này khiến người dân rất hi vọng sẽ giải quyết được việc các chủ đầu tư chây ì cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà đất cho dân.

Chủ đầu tư tha hồ “ngâm” giấy chứng nhận nhà đất

Dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ do Bộ đội biên phòng cảng TP được gần 200 cán bộ, chiến sĩ đã gom góp với số tiền khoảng 37 tỉ đồng từ năm 2006 để xây dựng. Thế nhưng cho đến thời điểm này, dự án nhà ở trên vẫn là bãi đất hoang chưa được xây dựng nằm tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Tình trạng không được giao nền, không được cấp giấy đỏ, hạ tầng chưa xây dựng đã khiến ước mơ về chốn an cư của các cán bộ, chiến sĩ (đến nay nhiều người đã nghỉ hưu) chưa biết lúc nào trở thành hiện thực.

Một dự án nhà ở khác ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức trong suốt 17 năm qua hơn 200 hộ dân mua nền vẫn chưa được cấp giấy đỏ vì có nhiều sai sót của chủ đầu tư so với quy hoạch được duyệt. Ông Nguyễn Hữu Tài, đại diện Công ty Xây dựng và May thêu Trường Thịnh (chủ đầu tư) cho biết, cho đến nay những sai sót vẫn chưa được khắc phục xong, chắc phải tới năm 2015 các hộ dân mới được giải quyết cho đủ điều kiện để cấp giấy tờ nhà, đất.

Tình trạng này không hề cá biệt mà diễn ra khá phổ biến ở hàng loạt chung cư trên địa bàn Tp.HCM. Tại chung cư bộ đội biên phòng (phường 3, quận Gò Vấp), 231 hộ dân  đã nhận nhà tám năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy. Chỉ vì khoảng 100 m2 đất dự án lấn sang dự án khác mà các hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp giấy, bà Phạm Thị Ái Thủy ở lô B, lầu 10 bức xúc chia sẻ.

Suốt 17 năm nay, người dân tại khu nhà ở của Công ty Trường Thịnh, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Tp.HCM chờ đợi được cấp giấy tờ nhà mà vẫn chưa có động tĩnh gì. Ảnh: V.HOA

Mong chờ được hướng dẫn

Nghị định 102 vừa được Chính phủ đưa ra khiến người dân mừng... hụt. Cứ tưởng rằng với mức phạt nặng tay như vậy (đối với trường hợp chậm làm thủ tục cấp giấy trên 12 tháng cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên, phạt tiền từ trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng - PV), chủ đầu tư sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục để cấp giấy cho dân nhưng không đơn giản như thế.

Nếu đọc kỹ nội dung nghị định mới biết mức phạt này chỉ áp dụng cho các dự án chậm cấp giấy sau thời điểm 25/12. "Những sai phạm là của chủ đầu tư, lâu nay không có chế tài xử lý họ, giờ quy định mới cũng không đề cập đến vấn đề này thì người dân chúng tôi cũng hết cách” - bà Thủy bức xúc nói.

Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM cho biết, còn rất nhiều trường hợp chủ đầu tư vi phạm trước ngày Nghị định 102 có hiệu lực. Với những trường hợp như thế, thanh tra Sở chỉ có thể đôn đốc, nhắc nhở chứ khó có thể xử phạt vì chưa có quy định chế tài cụ thể cho những trường hợp này.

Vị đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Mặc dù rất tiến bộ nhưng Nghị định 102 đang khiến chúng tôi lúng túng, không biết xử lý các vi phạm xảy ra trước thời điểm 25/12 như thế nào vì chưa có hướng dẫn cụ thể”.

Vị này cũng cho biết, trong kế hoạch thanh tra năm 2015, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra các dự án chậm cấp giấy cho dân và các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Sau đó sẽ có những đề xuất, kiến nghị tới UBND TP xem xét, có hướng giải quyết sao cho triệt để, thấu đáo.

Mức phạt thấp nhất được quy định trong Nghị định là 10 triệu đồng và mức cao nhất là 1 tỷ đồng, tùy vào các mức thời gian chậm làm thủ tục cấp giấy của chủ đầu tư (3-6 tháng, 6-9 tháng, 9-12 tháng và từ 12 tháng trở lên) và quy mô dân số bị ảnh hưởng bởi việc này. Khi chủ đầu tư chây ì cấp giấy, người dân có thể phản ánh tới UBND quận, huyện hoặc Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường để được xử lý triệt để.

Thống kê của Sở Xây dựng TP cho thấy, chậm cấp giấy chứng nhận là một trong 16 mâu thuẫn đang diễn ra phổ biến tại 58 chung cư trên địa bàn Tp.HCM.

(Theo Pháp luật TP HCM online)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM