Sau mỗi cơn sốt đất đi qua, người cười kẻ khóc. Nhiều lão nông một bước làm giàu nhưng cũng không ít người ngậm ngùi xót xa khi nhìn lại những điều được mất.
Trúng đậm nhờ bán lô đất vườn trồng cây lâu năm, ông Nguyễn Văn Việt một nông dân sinh sống tại Cửa Dương, Phú Quốc cho biết cảm giác buồn nhiều hơn vui khi giàu lên nhờ đất. Cả đời chủ yếu là làm nông, khi có thông tin về đặc khu kinh tế giá đất Phú Quốc tăng kinh người, hơn chục công đất vườn vốn chỉ có giá 100-200 nghìn/m2 của ông một bước khoác áo mới lên đến gần 1,5-2 triệu/m2, nhiều hộ dân lân cận bán đất mà đổi đời. Không suy xét thiệt hơn mà chỉ thấy người người bán đất giàu lên, ông Việt nghe theo con cái, cắt đất bán với mục đích kiếm số vốn lớn cho các con làm ăn thay vì phải sống đời làm nông mãi như vợ chồng ông.
Lô đất tổ tiên để lại ông Việt bán được hàng chục tỷ đồng, đây là con số mà ông chưa từng mơ đến. Mua cho anh con lớn căn nhà ở Sài Gòn kinh doanh nhà hàng, còn lại thì cho anh nhỏ làm vốn mở cửa hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất ở thị trấn. Ông Việt chỉ giữ lại khoảng 5 tỷ để dưỡng già. Những năm bão đất qua đi, giờ đây nhìn lại mảnh đất nhà mình giá tăng gấp 3-4 lần giá ông từng bán, nhưng chủ mới rào lại bỏ không, chẳng xây chẳng trồng mà nghe nói cũng không bán ra được cho ai.
Thông tin lên đặc khu kinh tế khiến nhiều lô đất tại Phú Quốc tăng lên gấp 10-20 lần, nhiều hộ dân nhờ bán đất mà trở thành đại gia. Ảnh minh họa
“Tôi thấy tiếc công đất mình đã bán đi, không phải là vì giá tăng 3-4 lần mà do tôi đã sai lầm khi không suy nghĩ kỹ càng khi quyết định bán đất làm ăn. Giờ thu nhập cả nhà chỉ còn biết dựa vào cửa hàng vật liệu của con trai. Do không giỏi làm ăn và cũng không thật sự có nhiều khách nên 2 cửa hàng kinh doanh cầm chừng, thậm chí vài tháng nay còn thua lỗ. Gia đình tôi trên dưới đều xào xáo vì giờ nếu của hàng dẹp tiệm, không còn bấu víu vào đâu. Trước kia làm nông, tuy không giàu nhưng ít nhất cũng ổn định, tập tành làm ăn nhưng thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết mà giờ bao nhiêu tiền cũng như bỏ sông. Quan trọng nhất giờ tôi muốn đi mua lại đất để trồng trọt, chăn nuôi cũng rất khó khăn vì ở đâu giá cũng cao đến bật ngửa”, ông Việt chia sẻ.
Không “giàu lên” từ đất như ông Việt, bà Phan Thị Ngân lại khổ sở vì đất Phú Quốc tăng quá nhanh, quá cao đến mức giờ bà không biết làm sao để mua nhà mua đất cho con cái dựng vợ gả chồng. Anh Thuận con trai bà Ngân đã dành dụm gần 7 năm tính mua một căn nhà trên thị trấn Dương Đông và công đất vườn để tiện bề canh tác rồi kết hôn. Nhưng qua 3 lần sốt đất, giá nhà tăng kinh khủng, số tiền anh có không thể mua nổi nhà ở trong thị trấn và chỉ mua đủ 1 lô đất nhỏ ở khu vực gần nhà hiện nay. Điều này khiến mọi kế hoạch anh vạch ra trật đường ray. “Những lô đất gần kề nhà tăng giá bán gấp 5-6 lần so với 3 năm trước. Thời điểm 2018 thấy giá nhà tăng cô đã lo và hối con trai tìm cách xoay tiền nhanh để mua, không ngờ mới qua đầu 2019 thì sốt đất, giá biến động đến dân địa phương nghe còn thấy choáng. Dù hiện giờ hết sốt giá cũng hạ xuống thấp nhưng vẫn vượt qua khả năng chi trả của gia đình. Mình cần đất để làm ăn thì không mua nổi còn người ta có đất để không cho cỏ mọc bao năm”, bà Ngân ngậm ngùi.
Những cơn sốt đất nổ ra trên khắp các vùng miền trong 3 năm qua khiến giá đất tăng cao, nhiều người dân không còn khả năng sở hữu BĐS. Ảnh minh họa
Tình trạng của ông Việt, bà Ngân không phải chuyện hiếm ở các thị trường có sốt đất phát sinh. Nhiều người bán đất khi giá tăng cao và sau đó không đủ tài chính để mua lại đất canh tác trên chính quê hương của mình. Những nhà đầu tư từ TP.HCM, Hà Nội đến mang cơ hội làm giàu về cho dân quê và khi ra đi thì cũng để lại nhiều hoang mang, hệ quả. Không thiếu những trường hợp nhờ bán đất mà một sớm trở thành triệu phú, tuy nhiên cũng đầy rẫy các hệ lụy vì giàu lên nhanh mà không có căn cơ sản xuất.
Đầu năm 2018 tại TP.HCM liên tiếp xảy ra các đợt sốt đất nền ở các quận vùng ven. Từ giữa năm 2018, sự chững lại của các cơn sốt đất tại TP.HCM đã góp phần tỏa nhiệt đến các tỉnh giáp ranh TP.HCM, thậm chí đến Bình Thuận, Phú Quốc thiết lập những mặt bằng giá mới và hình thành nhiều điểm nóng đáng chú ý. Hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng/m2. Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển BĐS. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này. Thực tế là không ít người khấm khá nhờ trúng BĐS, nhưng số đông người dân lại ngậm ngùi cả đời vất vả cũng không mua nổi căn nhà!
Theo ThanhnienViet.