Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Doanh nghiệp nội cần chủ động xuất khẩu BĐS ra nước ngoài

Cập nhật: 05/08/2015 00:00

Việc mở cửa thị trường không chỉ để nhà đầu tư tìm đến với BĐS trong nước mà các doanh nghiệp nội cần phải mạnh dạn “mang chuông đi đánh xứ người”, tự làm tăng lợi thế của mình trên thị trường khu vực.

Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu đa dạng đối với bất động sản. Thêm nguồn cầu là thêm tín hiệu tích cực, nhưng nó chỉ có thể biến thành nguồn lợi khi doanh nghiệp biết tranh thủ nắm bắt. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng cùng với các điều chỉnh về luật đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí bất động sản tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế. Tuy nhiên, hạn chế của thị trường hiện tại là các doanh nghiệp Việt chưa thực sự mang sản phẩm của mình quảng bá mạnh mẽ ra thị trường quốc tế mà chỉ chủ yếu thu hút nguồn khách quốc tế tại thị trường nội địa.

Tại một buổi hội thảo do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, Ông Lewis Ng. - Giám đốc điều hành Property Guru nhận định: chính sách mở của của Việt Nam tạo đà thông thoáng và mang lại nhiều yếu tố thiệt thực cho thị trường. Tuy nhiên Viet Nam chỉ mới mở cửa, đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế nhất là nhà đầu tư cá nhân, thị trường Việt Nam còn khá mới mẻ, thông tin về thị trường, doanh nghiệp cũng như sản phẩm rất hạn chế nên khó tránh khỏi những nghi ngại từ nhà đầu tư. Thay vì để nhà đầu tư tự tìm đến với mình, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động trong việc quản bá thương hiệu, sản phẩm của mình ra các quốc gia khác trong khu vực. 

Các doanh nghiệp BĐS Việt Nam nên mạnh dạn đưa sản phẩm của mình tới khách hàng ngoại

Ông Lewis Ng. lấy ví dụ so sánh giữa Việt Nam với thị trường Philippines 2 năm trước đây. Khi đó việc đầu tư vào BĐS của Philipines được xem là cuộc chơi mạo hiểm với nhiều nhà đầu tư châu Á vì BĐS Philipines khi ấy còn quá mới mẻ, ít thông tin. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Philipines biết cách quảng bá sản phẩm tới từng đối tượng tiềm năng, không ngại đem chuông đi đánh xứ người, cạnh tranh với các thị trường lớn bằng marketing khôn ngoan kết hợp với chính sách hỗ trợ thúc đẩy của chính phủ. Trong 2 năm Philipines trở thành thị trường đầu tư hàng đầu, mang lại lợi nhuận và thu hút được nhiều nhà đầu tư Á - Âu.

Lewis Ng. cũng nhận định rằng, Việt Nam không thiếu tiềm năng phát triển, BĐS Việt Nam đa dạng và hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt bậc về giá cả và quy mô. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn khá e dè trong các hoạt động quảng bá thương hiệu ra quốc tế, đa phần doanh nghiệp vẫn chờ đợi khách quốc tế đến Việt Nam thay vì vượt biên giới đi tìm kiếm khách hàng trong khu vực, điều mà nhiều quốc gia láng giềng khác như Thái Lan, Indonosia đã và đang làm rất hiệu quả.

“Tôi nghĩ nhà đầu tư Việt Nam trước hết nên lựa chọn khách hàng từ thị trường Singapore, đây là quốc gia có xu hướng chuộng đầu tư vào BĐS nhất và là quốc gia có số lượng nhà đầu tư tại khu vực Đông Nam Á lớn nhất. Sở dĩ người Singapore thích xu hướng này một phần là do thị trường BĐS tại Sing đang ngày càng khan hiếm, giá nhà lại cao gấp nhiều lần khu vực. Các kênh đầu tư như chứng khoán và ngân hàng tại Sing đòi hỏi nguồn vốn lớn và lãi suất ngân hàng lại thấp nên đại bộ phận giới đầu tư đều chuộng BĐS”. 

Ông Stuart Chng - Giám đốc cấp cao của Savills Residential Pte Ltd. đưa ra nhận định: doanh nghiệp BĐS Việt Nam có thể thu hút được các nhà đầu tư khu vực hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc các doanh nghiệp sẽ quảng bá và làm Marketing như thế nào ở thị trường Đông Nam Á nói chung và Singapore nói riêng. Theo ông, các doanh nghiệp Việt nên tiến hành việc quảng bá hình ảnh của mình sớm nhất có thể để tranh thủ thị trường, vì một vài năm tới, sẽ có nhiều nhà đầu tư ở khu vực như Singapore, Philippine, Brunie gia nhập thị trường Việt Nam, nếu đi trước đón đầu, tất yếu sẽ tạo được lợi thế. Nhu cầu đầu tư không phải là ít nhưng bản thân các nhà đầu tư quốc tế thực sự chưa biết gì về thị trường Việt Nam. 

Theo vị chuyên gia này, bên cạnh Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới còn cho phép các tổ chức nước ngoài được mua lại văn phòng, cơ sở sản xuất và các tài sản khắc phục vụ mục đích kinh doanh và cũng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản chưa hoàn thiện cho nhà đầu tư để tiếp tục phát triển. Điều luật mới mở rộng cửa cho những nhà kinh doanh nước ngoài có quyền sở hữu đầy đủ với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nơi có chi phí vốn thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước láng giềng trong khu vực, và sẽ đẩy mạnh hoạt động giao dịch của các nhà máy, kho vận, cơ sở hậu cần và khu công nghiệp. Đây thực sự là tin vui cho những công ty quốc tế đang muốn tận dụng mức độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam để có thể thu mua toàn bộ các tài sản thương mại và phức hợp ở các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội nhằm thiết lập cơ sở kinh doanh trong nước và khu vực, đồng thời tiến hành các hoạt động thương mại, bán lẻ. 

Một trong những băn khoăn của doanh nghiệp Việt Nam là họ nên lựa chọn phân khúc BĐS nào giới thiệu đến khách hàng quốc tế để mang lại hiệu quả cao? Về vấn đề này, bà Jacqueline Cham – quản lý phát triển kinh doanh quốc tế của Property Guru Singapore cho rằng, các doanh nghiệp Việt nên chú ý đến phân khúc cao cấp. Nhà đầu tư Singapore nói riêng và các nước trong khu vực ĐNA nói chung khi lựa chọn đầu tư vào thị trường nước ngoài họ đặc biệt quan tâm tới các phân khúc như căn hộ, văn phòng cho thuê và BĐS nghỉ dưỡng cao cấp. Việt Nam hiện đang có lượng cung lớn các sản phẩm cao cấp,  sản phẩm này đa phần đều nằm ở khu vực trung tâm đô thị, nơi có tốc độ phát triển kinh tế cao rất thuận lợi cho việc kinh doanh, điều này hoàn toàn phù hợp với thị hiếu đầu tư của người Singapore. 

(Theo Nhịp sống thời đại)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM