Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Hà Nội chưa xử lý tốt vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo

Cập nhật: 04/10/2013 16:28

Mặc dù các cơ quan chức năng của Hà Nội đã có nhiều cố gắng và gia hạn tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đến quý III năm 2013, nhưng cho đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn hơn 190 trường hợp nhà dạng này, gây mất mỹ quan đô thị.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng Hà Nội, sau hơn một năm triển khai các giải pháp xử lý nhà không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình (nhà siêu mỏng, siêu méo), các quận, huyện đã xử lý được gần 200 trường hợp. Tuy nhiên, cho đến nay trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại hơn 190 trường hợp nhà dạng này tại chín quận, huyện. Trong đó các đơn vị còn nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo là quận Ba Ðình còn 69 trường hợp, quận Ðống Ða 28 trường hợp, quận Hà Ðông 26 trường hợp... Tại một số tuyến phố, tuyến đường mới vẫn mọc lên công trình siêu mỏng, siêu méo, gây bức xúc trong dư luận như tuyến đường Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương kéo dài (quận Thanh Xuân), Xã Ðàn, Phương Mai (quận Ðống Ða), Thạch Bàn (quận Long Biên)... Ông Nguyễn Văn Hiền, nhà ở phường Thạch Bàn cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp đường Thạch Bàn đã tạo nên con đường mới khang trang, rộng rãi, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, hai bên tuyến phố vẫn còn một số khu đất quá nhỏ, hẹp, với diện tích chưa được 10 m2, sau đó mọc lên công trình hình dáng kỳ dị, méo mó. Có nhà chiều ngang rộng khoảng 4 m, nhưng chiều sâu chỉ hơn 1 m, nhưng người dân vẫn xây nhà cấp bốn, lợp mái tôn đã vươn ra vỉa hè gần 1 m, gây mất mỹ quan đô thị. Nếu trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, các cơ quan chức năng của quận kiên quyết thu hồi hết phần diện tích nhỏ hẹp trên để mở rộng vỉa hè thì sẽ tránh được khó khăn, phức tạp trong quá trình xử lý công trình sau này.

Một căn nhà siêu mỏng, siêu méo tại đường Thạch Bàn.

Còn tại quận Ba Ðình, sau hơn một năm triển khai quyết định của thành phố, tiến độ xử lý 69 công trình nhà, đất siêu mỏng, siêu méo vẫn "giậm chân tại chỗ". Ðại diện UBND quận Ba Ðình cho biết, toàn bộ các trường hợp trên đều nằm ngoài chỉ giới mở đường, tồn tại từ trước khi có quy định về nhà đất không đủ điều kiện mặt bằng để xây dựng công trình, thí dụ như các công trình trên phố Ðào Tấn. Hơn nữa, các hộ dân đã sử dụng nhà, đất thời gian dài, ổn định và hiện đang là nơi ở, kinh doanh của họ cho nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Số tiền bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, thu hồi toàn bộ các trường hợp trên quá lớn, lên tới gần 450 tỷ đồng. Vì thế quận đang tiếp tục vận động, thuyết phục các hộ dân tiến hành hợp thửa, hợp khối các công trình. Việc thu hồi đất chỉ là giải pháp cuối cùng. Cho đến nay, chính quyền các cấp đã vận động được tám trường hợp đồng ý hợp thửa, hợp khối công trình, 27 trường hợp tiến hành cải tạo, chỉnh trang, nhưng vẫn còn 34 trường hợp nằm trong diện phải thu hồi đất. UBND quận đã phê duyệt phương án thu hồi, giao ban quản lý dự án của quận làm chủ đầu tư thực hiện thu hồi để xây dựng công trình công cộng. Tuy nhiên, công việc này chưa thể hoàn thành trong năm nay.

Tại quận Ðống Ða, trong số 75 nhà, đất siêu mỏng, siêu méo, UBND quận đã xử lý được 47 trường hợp, trong đó đưa 28 trường hợp nằm trong khu vực có quy hoạch vào các dự án để tiến hành thu hồi, 17 trường hợp hợp thửa, hợp khối và hai trường hợp cải tạo, chỉnh trang phù hợp với cảnh quan, kiến trúc tuyến phố. Ðể giảm kinh phí bồi thường đối với 28 công trình còn lại, UBND quận đã tích cực vận động người dân tiến hành hợp thửa, hợp khối công trình, nhưng nhiều gia đình không hợp tác, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý. 

Nguyên nhân tình trạng này là do chính quyền các quận, huyện còn thiếu quyết liệt, lúng túng, không xử lý dứt điểm các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng công trình ngay từ khi lập dự án đầu tư xây dựng. Trong quá trình xử lý, nhiều cán bộ ngại va chạm với người dân do đây là các hộ dân đã bị thu hồi đất để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, trình tự thu hồi đất theo quy định của Luật Ðất đai để đầu tư công trình công cộng, dù lớn hay nhỏ, đều phải trải qua các bước như phê duyệt dự án, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư (bao gồm cả kinh phí, quỹ nhà, đất tái định cư, tạm cư), trích đo địa chính... kéo dài thời gian. Việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất chưa được người dân đồng thuận. Một số tuyến đường chưa có đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường dẫn đến khó xác định chỉ giới đường đỏ...

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Ðức Học cho biết, dự toán kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng, thu hồi các trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo hiện nay hơn 200 tỷ đồng, là một số tiền không nhỏ đối với các quận, huyện. Vì thế, sở đề nghị các quận, huyện tiếp tục vận động người dân hợp thửa, hợp khối công trình vì đây là giải pháp nhanh gọn, hiệu quả nhất, giải quyết được hơn 50% số trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo hiện nay.

Xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo là công việc khó khăn, phức tạp, nhưng cần giải quyết triệt để. Bên cạnh việc vận động người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối công trình, UBND các quận, huyện cần kiên quyết thu hồi các trường hợp không thỏa thuận thành công. Chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo cơi nới trái phép. Khi tiến hành các dự án đầu tư xây dựng, các cơ quan chức năng phải chủ động xử lý các diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng công trình ngay từ khi lập phương án thu hồi đất, tránh việc xử lý phức tạp, tốn kém sau này.

(Theo NDO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM