Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Hỗ trợ tài chính Vụ bức tường 1,7m2 hét giá tiền tỷ: Chỉ e "già néo đứt dây"

Cập nhật: 29/07/2015 00:00

Dư luận thời gian qua khá "nóng" trước câu chuyện ông Nguyễn Phương Châm rao bán bức tường 1,7m2 với giá hơn 1 tỷ đồng. Bỏ qua tranh cãi giá trị đắt rẻ của nó, nhiều người còn nhìn ra câu chuyện quy hoạch Hà Nội đằng sau bức tường này.

Bức tường 1,7m2 được chủ nhân rao bán với giá hơn 1 tỷ khiến nhiều người chú ý. Ảnh: Tiền phong

Nếu xét về mặt pháp luật, ông Châm là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất, nên chuyện mua - bán bức tường trên rõ ràng là một giao dịch dân sự vốn “cốt ở đôi bên”. Ông Châm cũng không phải là gây khó dễ cho ai mà rất sẵn lòng bán bức tường đó cho hộ dân liền kề, chỉ có điều mức giá ông đưa ra được coi là quá “chát” so với túi tiền eo hẹp của người hàng xóm. Thế nhưng, ngay cả khi người hàng xóm có nhiều tiền để mua đi nữa - theo các chuyên gia pháp lý - thì phía chính quyền sở tại cũng chỉ có thể vận động chứ không thể và không đủ quyền ép buộc các bên phải tiến hành thương vụ vụ mua bán này. Ngược lại, TP Hà Nội cũng không thể để một bức tường có 1,7m2 nham nhở làm hỏng mỹ quan đô thị, “hạ giá” của con đường ngàn tỷ.

Vấn đề là đây không phải là một trường hợp hiếm. Thực tế, quy hoạch thiếu đồng bộ và tầm nhìn ngắn hạn đã đẻ ra những tác phẩm nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” với giá bán cao đến choáng váng tại thủ đô... Đơn cử, ngay sau khi con đường chạy quanh hồ Tây hoàn thành, diện tích đất của hộ gia đình số 267 cũng bị thu hồi gần hết, chỉ còn chừa lại một phần đất đủ để... dựng một chiếc xe máy. Miếng đất này lại án ngữ ngay trước cửa khiến các hộ dân phía trong bắt buộc phải đi bằng ngõ nhỏ thay vì được đi lối mặt đường to rộng khang trang, nhưng vì nó được chủ nhân định giá quá cao với ý nghĩ “không được giá thì cứ để đấy… chơi” nên không ai có thể mua lại…

Quay trở lại với bức tường 1,7m2 ở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Khi được hỏi về giải pháp cuối cùng trong trường hợp các hộ dân vẫn cứ khăng khăng kẻ giữ đất, người giữ tiền; đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, giá tiền thu hồi những trường hợp này, căn cứ theo khung bảng giá đất đã được áp tại quận Cầu Giấy thì sẽ ở mức giá 16 triệu đồng/m2. Như vậy với 1,7m2 đất; ông Châm sẽ được đền bù chưa đầy 28 triệu đồng. Nhưng cũng không thể phủ nhận, nếu hộ hàn xóm liền kề chịu “thống nhất” được thửa đất này thì giá trị ngôi nhà của họ sẽ tăng cao hơn nhiều. Điểm mắc mớ nằm ở chỗ, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định nào về thời hạn cuối cùng buộc người dân phải hợp khối, hợp thửa. Vậy đến khi nào thì chính quyền địa phương sẽ thực hiện thu hồi đất của “bức tường đắt giá” này và với giá nào, có đầy đủ cơ sở pháp lý hay không?

Nếu nhìn vào quy hoạch chi tiết khi thực hiện dự án mở đường tại Thủ đô, sẽ không quá khó để thấy trước những nghịch cảnh tréo ngoe này. Lẽ ra, có quan quản lý cần có phương án xử lý ngay từ ngày đó để tránh cảnh đường đẹp nghìn tỷ mà hai bên đường thì xấu xí; ấy là chưa nói gì đến chuyện tình làng nghĩa xóm của các hộ dân sau mấy chục năm giờ dễ tan thành mây khói!  

(Theo Hải Quan Online)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM