Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

"Mua đất dự án ma đến chết vẫn chưa thấy nhà đâu"

Cập nhật: 08/06/2014 22:27

Một người mua nhà tại dự án Trường ĐH Sân khấu điện ảnh bức xúc: "Chúng tôi mua nhà từ khi còn trung niên, đến bây giờ đã già, có người đã chết. Với cách làm việc này có lẽ đến năm 3000 chúng tôi cũng chưa lấy lại được tài sản của mình”.

Thời điểm năm 2003, Hiệu trưởng Trường ĐH SKĐA đã “vẽ” lên một dự án và tiến hành bán nền đất cho 258 người mua với số tiền lên đến 45 tỉ đồng. Sự việc diễn ra cách đây đã hơn 10 năm nhưng hiện tại 258 người này vẫn chưa nhận được bất thứ gì ngoài những “lời hứa suông”.

Người mua đất tập trung trước cổng trường ĐH SKĐA sáng ngày 5/6

Ông Hiệu trưởng “nhạy bén”

Theo đơn tố cáo do bà Nguyễn Thị Hải Đường (Trưởng ban đại diện cho 258 người mua đất) ký tên, thì vào tháng 7/2003 Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) phê duyệt chủ trương cho phép trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh (nay là trường Đại học Sân khấu điện ảnh có địa chỉ tại đường Cống Quỳnh, quận 1, Tp.HCM) đầu tư cơ sở 2 của trường tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, Tp.HCM với diện tích khoảng 7ha. Trong đó có hai phần là cơ sở vật chất của trường và phần dành xây dựng khu nhà ở cho giáo viên.

Tuy nhiên khi dự án này chưa được UBND Tp.HCM phê duyệt, chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, cũng chưa được cấp quyết định giao đất, vào năm 2003 ông Hà Quang Văn (nguyên Hiệu trưởng) cùng bà Đỗ Thị Thùy Dung (Giám đốc Công tyTNHH Tân Phú Thủy) và một số người trong Ban giám hiệu (BGH) đã phân nền, chia lô tại khu đất trên để bán cho 258 người. Trong đó số giáo viên và cán bộ, công nhân viên của trường chỉ có…23 người.

Theo đơn của bà Đường thì BGH, đại diện là ông Văn bằng nhiều phương thức đã bán được 39 nền biệt thự, 265 nền nhà liền kề, 19 nền các loại khác có tổng diện tích vượt xa số đất được cấp, với tổng số tiền thu được là hơn 45 tỷ đồng. “Vào thời điểm đó ngay cả trụ sở của trường cũng trở thành nơi giao dịch những nền đất này” – bà Đường cho biết.

Người mua đất tại dự án ma vẫn giữ những hồ sơ mua bán từ cách đây hơn 10 năm

Người mua đất tại dự án ma vẫn giữ những hồ sơ mua bán từ cách đây hơn 10 năm

Sự việc được phản ánh lên cơ quan chức năng sau đó. Trước vấn đề này Thanh tra Tp.HCM đã vào cuộc và tháng 1/2008 có kết luận. Theo đó ông Văn và BGH đã có dấu hiệu sai phạm hàng loạt vấn đề trong thực hiện dự án như: Chuyển 42 tỷ đồng vào các tài khoản cá nhân của ông Văn và bà Dung; ông Văn và BGH cũng chi nhiều khoản tiền không hợp lý, để các đơn vị khác khai khống số tiền lên tới hàng tỷ đồng; bên cạnh đó ông Văn và bà Dung còn lập các hợp đồng giả để trục lợi.

Do đó Thanh tra Tp.HCM đề nghị trường ĐH SKĐA hoàn tiền lại cho những cá nhân không phải là CB-CNV của trường nhưng đã bỏ tiền ra mua đất nền, và kiến nghị UBND TP xử lý các sai phạm của ông Văn.

Tuy nhiên, kể từ khi có kết luận thanh tra đến nay đã hơn 6 năm (trong thời gian này ông Văn đã về hưu) nhưng 258 người góp vốn vào “dự án” vẫn chưa được giải quyết bất cứ quyền lợi nào. Họ không nhận được đất nền, không nhận lại được tiền, và cũng không có được một thời hạn giải quyết triệt để hay một lời giải thích thỏa đáng từ nhà trường, trong khi họ đã bỏ ra một số tiền lên tới 45 tỉ đồng (cách đây 10 năm).

“Sức chịu đựng đã hết”

Bức xúc trước việc này, sáng ngày 5/6 hơn 60 người góp vốn trong “dự án” quyết định đi tới Trường ĐH SKĐA đề nghị làm việc. Trước áp lực này hai Hiệu phó của trường là ông Nguyễn Xuân Dũng và ông Phạm Huy Thục đã phải mời bà con lên phòng họp để tổ chức một cuộc gặp “không có trong kế hoạch”.

Cuộc họp được tổ chức sau đó

Cuộc họp được tổ chức sau đó

Nêu ý kiến trong cuộc hợp, bà Nguyễn Thị Hải Đường cho biết. Bà và Ban đại diện đã nộp đơn lên rất nhiều cấp có thẩm quyền, và đến nay đã quy nhiều cuộc họp nhưng quyền lợi của mọi người vẫn chưa thấy.

“Vào năm 2008 UBND TP đã chỉ đạo nhà trường phải trả lại tiền nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì (…) chúng tôi mua nhà từ khi còn trung niên, đến bây giờ chúng tôi đã già, có người đã chết. Và với cách làm việc của trường thì có lẽ đến năm 3000 chúng tôi cũng chưa lấy lại được tài sản của mình” – bà Đường bức xúc.

Bên cạnh ý kiến của bà Đường, nhiều cá nhân khác cũng có những chỉ trích dữ dội vào cách làm việc, cũng như “thiện chí” của BGH Trường ĐH SKĐA. Họ yêu cầu BGH phải giải thích rõ số tiền (45 tỷ) đã được sử dụng vào mục đích nào, hiện tại còn bao nhiêu, ở đâu. Quyền lợi của họ sẽ được giải quyết cụ thể ra sao?

“Thà rằng sự việc đang trong quá trình điều tra thì chậm trễ còn hiểu được. Đằng này đã có quyết định thanh tra, đã có chỉ đạo của UBND TP, họ đã sai rành rành nhưng cố tình chây ỳ không thực hiện. Nếu ông Văn đã về hưu thì BGH sau này vẫn phải có trách nhiệm giải quyết cho chúng tôi” – một người dân mua đất tại “dự án” nói.

Trả lời những thắc mắc trên, ông Thục thừa nhận vào năm 2003 trường có chức năng lập dự án, nhưng đến 2005 thì không còn chức năng này. Tuy nhiên do còn nhiều khúc mắc bởi sự chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo nên đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ông Thục cũng cho biết BGH đang cố gắng hoàn thành các phương án trả lại tiền hoặc đất cho mọi người trong thời gian sớm nhất.

Trước phần trả lời này, những người có mặt tại cuộc họp tiếp tục phản đối bởi cho rằng hơn 10 năm là một khoảng thời gian quá dài để xử lý quyền lợi của họ và yêu cầu trong tháng 6 này BGH nhà trường phải tổ chức một cuộc gặp (có mặt của ông Văn, bà Dung) với toàn thể những người mua nhà để làm việc dứt điểm.

Yêu cầu trên đã được ông Dũng ghi nhận và hứa thực hiện.

Một người mua đất trong cuộc họp khẳng định: “Nếu không làm đến nơi đến chốn chúng tôi sẽ lên đây tập trung đòi quyền lợi vào mỗi chủ nhật cho đến khi lấy lại được tài sản của mình. Đến lúc này mọi việc đã vượt quá sự chịu đựng của mọi người”.

(Theo Infonet)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM