Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Ngoài hạ tầng, bất động sản khu Tây TP.HCM còn gì để duy trì sức nóng?

Cập nhật: 25/12/2020 15:04

Nếu TP.Thủ Đức đang tạo sóng cho thị trường nhà đất khu Đông thì bất động sản khu Tây TP.HCM duy trì độ nóng nhờ vào trợ lực từ hệ thống hạ tầng đã và đang trên đà hoàn thiện.

Hàng loạt dự án hạ tầng mở rộng kết nối cho khu Tây

So với thị trường khu Đông, bất động sản Khu Tây (bao gồm các quận phía Tây TP.HCM, Long An và vùng Tây Nam Bộ) có phần kém sôi động hơn. Tuy nhiên sức nóng của thị trường này được nhận định sẽ bùng nổ trong tương lai dưới lực đẩy từ hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm được Chính phủ tăng cường triển khai trong các năm tới.

Mới đây, UBND TP.HCM cùng với chính quyền Long An vừa thông qua phê duyệt triển khai nâng cấp 7 tuyến đường nối giữa Long An – TP.HCM với tổng kinh phí 24.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Các tuyến đường trong dự án bao gồm mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) - ĐT824 (Đức Hòa), tổng vốn 2.800 tỷ đồng; Đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) - ĐT826C (Cần Giuộc), vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (Cần Giuộc) vốn 5.100 tỷ đồng kết nối giữa quận 7 với Cần Giuộc; Cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến thông xe trong năm 2021; Đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Tạo thành tuyến 6 làn đường kết nối vào KCN Tân Tạo.

Khu Tây TP.HCM đang được đầu tư mạnh về hạ tầng kết nối với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực này trong tương lai.

Khu Tây TP.HCM đang được đầu tư mạnh về hạ tầng kết nối với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực này trong tương lai.

Cùng với đó, TP.HCM cũng đầu tư xây dựng tuyến đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) - đường trục động lực (Cần Giuộc), tổng chiều dài hơn 8,6 km, kinh phí 4.300 tỷ đồng. Đề án kéo dài đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối trực tiếp về Long An sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ rút ngắn thời gian rất nhiều. Đặc biệt, tuyến ĐT827E trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang dự kiến được đầu tư với số vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 35km sẽ kết nối tỉnh Tiền Giang với huyện Cần Đước và Cần Giuộc trước khi kéo dài đến TP.HCM. Công trình trọng điểm khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ cho toàn khu Tây Nam.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, thị trường bất động sản Long An phát triển mạnh đến từ việc tỉnh đang thực hiện kết nối vùng, với nhiệm vụ chính là đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ. Lợi thế lớn nhất của Long An là nằm ở vị trí cửa ngõ vùng, thông qua tuyến Metro số 3A (Bến Thành - Tân An) và cao tốc Trung Lương giúp kết nối thông suốt từ khu Tây về nội thành. Việc mở rộng Quốc lộ 1A, khánh thành cảng quốc tế Long An, triển khai cao tốc Tân Sơn Nhất - Long An sẽ mở ra vùng liên kết vệ tinh lớn, thu hút giá trị đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam Bộ trong phát triển kinh tế dịch vụ, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo.

Thị trường tiềm năng cho nhà đầu tư vốn mỏng

Xét về lợi thế, bên cạnh yếu tố hạ tầng, thị trường khu Tây nói chung và Long An nói riêng đang sở hữu 3 yếu tố thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vốn mỏng.

Đầu tiên là lợi thế quỹ đất dồi dào, giá mềm. So với khu Đông, mặt bằng giá bất động sản khu Tây khá thấp nên dư địa tăng giá còn cao. Theo khảo sát thực tế của Khonhadat.vn, nếu mức giá nhà đất tại khu vực trung tâm Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) hiện tại vào khoảng 28-60 triệu/m2; Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai) vào khoảng 22-45 triệu/m2 thì giá đất Bến Lức, Cần Giuộc (Long An) trung bình chỉ tầm 15-35 triệu/m2. Long An cũng là thị trường duy trì nhu cầu giao dịch ổn định nhất trong năm 2020, nếu Đồng Nai và Bình Dương thường xuyên có sự tăng giảm mạnh về nhu cầu mua dưới tác động từ Covid-19, Long An có mức biến động thấp và ít chịu ảnh hưởng từ làn sóng sụt giảm đầu cơ bất động sản.

Thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ của khu công nghiệp (KCN). Hiện Long An có 32 KCN đã được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch, trong đó có nhiều KCN diện tích lớn như KCN và đô thị Việt Phát (huyện Thủ Thừa, 1.800 ha), KCN Đức Hòa III - SLICO (huyện Đức Hòa, 196 ha)… Dòng vốn đầu tư lớn đổ vào địa phương này sẽ kéo theo nhu cầu nhà ở đô thị cao cấp cũng sẽ gia tăng theo. Dư địa để phát triển bất động sản nhà ở tại Long An đang rất lớn.

Bên cạnh hạ tầng, giá và nguồn cung đa dạng đang là lợi thế lớn giúp bất động sản khu Tây TP.HCM thu hút người mua nhà. Ảnh minh họa

Bên cạnh hạ tầng, giá và nguồn cung đa dạng đang là lợi thế lớn giúp bất động sản khu Tây TP.HCM thu hút người mua nhà. Ảnh minh họa

Thứ ba là nguồn cung đa dạng và chất lượng. Trước thực tế quỹ đất cạn dần của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đang là những thị trường quyết định nguồn cung các năm tới đây. Đặc biệt là loại hình sản phẩm biệt thự, nhà phố, đất nền. Sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn bất động sản với những đô thị cao cấp như Vietuc Varea (Bến Lức), West Lakes Golf & Villa (Đức Hòa), Waterpoint (Bến Lức), E.City Tân Đức (Đức Hòa) và gần đây nhất là The Sol City (Cần Giuộc) của Thắng Lợi Group đang giúp thị trường này định vị lại giá trị bất động sản, không chỉ đơn thuần phát triển dự án đất nền mà còn cho thấy tiềm năng trong phát triển sản phẩm biệt thự, nhà phố cao cấp.

Nhìn nhận về xu hướng phát triển của thị trường khu Tây, bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam cho rằng, đối với những nhà đầu tư có năng lực tài chính vừa phải, chọn đầu tư bất động sản dài hạn để chờ cơ hội phát triển tại thị trường khu Tây là rất khả thi. So với khu Đông đã phát triển vượt trội thời gian dài, các tỉnh thành phía Tây TP.HCM chỉ mới bùng nổ nguồn cung trong mấy năm gần đây. Chính vì không phát triển quá nóng nên bất động sản khu Tây có nhiều lợi thế để tăng trưởng trong tương lai nếu tiến độ hạ tầng đi vào hoàn thiện.

“Ở một thị trường chưa hình thành rõ ràng như khu Tây, nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận hơn, mức độ tăng trưởng lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn ở các thị trường đã phát triển trước đó. Thậm chí có thể tăng gấp 2-5 lần khi dự án hình thành. Còn ở khu vực đã phát triển quá nóng, giá trị bất động sản đang đẩy lên cao thì mức độ sinh lợi sẽ không bằng các thị trường mới trong tương lai", bà Trang Bùi cho hay. Tuy nhiên bà Trang cũng nhấn mạnh, mỗi khu vực đều có một tiềm năng lợi thế riêng và tuỳ vào mức am hiểu và tài chính của nhà đầu tư để quyết định lựa chọn sản phẩm. Tốt nhất nhà đầu tư vẫn nên chọn các dự án có quy hoạch bài bản, pháp lý minh bạch và chủ đầu tư uy tín để tránh rủi ro.

Theo ThanhNienViet

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM