Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Thanh Hóa chuẩn bị xây dựng sân golf 18 lỗ bất chấp cung vượt cầu

Cập nhật: 05/05/2014 19:28

Bất chấp hiện trạng Việt Nam đang rơi vào cảnh lạm phát sân golf, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vẫn mạnh dạn khởi công dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Nhiều bài học nhãn tiền, vẫn xây sân golf

Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa thông tin, theo kế hoạch vào ngày 4/5/2014, doanh nghiệp 100% vốn trong nước - Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sẽ khởi công dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.500 tỉ đồng, đây là dự án đầu tư đầu tiên của FLC tại Thanh Hóa, mở đầu cho chuỗi dự án mà công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào địa phương này.

Theo thông tin từ nhà đầu tư, đây là dự án sân golf 18 lỗ dạng links được triển khai trên diện tích 92,49 héc ta với hệ thống cây xanh, thảm cỏ, hồ nước, câu lạc bộ, khách sạn, biệt thự cao cấp...

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, sân golf là một hình thức mà cung nhiều hơn cầu. Có nhiều sân golf đã xây dựng xong nhưng không thể sử dụng hết tính năng, kinh doanh thua lỗ. Thậm chí, đã có sân golf chủ đầu tư phải đóng cửa hoặc xin thay đổi hình thức kinh doanh như trường hợp của sân golf Phan Thiết.

Sân Golf Phan Thiết vừa được chủ đầu tư tuyên bố đóng cửa.

Như báo Đất Việt đã thông tin, Công ty cổ phần Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) đã đưa ra thông báo đóng cửa sân golf Phan Thiết vào tháng 4/2014. Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Dự án Ocean Dunces Golf Club (Sân golf Phan Thiết) sang đất ở đô thị.

Lý do vì Dự án đã được đầu tư và đi vào kinh doanh từ năm 1997 song hoạt động không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí. Báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 10 năm trở lại đây (tính từ năm 2004), tổng lỗ của Sân golf Phan Thiết lên tới 115 tỷ đồng.

Vẫn là mối lo dự án thật – dự án giả

Trong khi đó hồi cuối tháng 4/2014, Thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong số 90 sân golf nằm trong quy hoạch được duyệt, thì mới chỉ có 29 sân golf đưa vào khai thác, sử dụng và góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng tăng dịch vụ, thu hút khách du lịch, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước.

Trước quan điểm cho rằng, Việt Nam có nguy cơ “lạm phát” sân golf, ông Jeff Puchalski, Giám đốc Điều hành Fore Golf Asia (Công ty tư vấn quản lý sân golf) trả lời trên báo Đầu Tư cho rằng, quan hệ cung – cầu sẽ điều chỉnh sự phát triển hệ thống sân golf, nếu không có đủ người chơi để lấp đầy các sân golf mới, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không tiếp tục phát triển sân golf nữa.

“Vì thế, tôi không cho rằng, số lượng sân golf ở Việt Nam là nhiều hay ít. Tôi chỉ hy vọng, sẽ có đủ người chơi golf tại Việt Nam và cũng sẽ có một số lượng lớn người nước ngoài vào Việt Nam chơi golf kết hợp với du lịch”, ông Jeff Puchalski nói.

Sân golf là nơi thể hiện rõ nét nhất phân biệt giàu nghèo.

Tuy nhiên, liệu có thực sự sân golf Việt Nam ra đời để đáp ứng cái nhu cầu của xã hội như vậy không? Hay còn có những điều khuất tất đằng sau?

Đã có không ít những ý kiến chuyên gia kinh tế trả lời trên báo Đất Việt, cho rằng đầu tư sân golf cần phải đề phòng hiện tượng dự án thật – dự án giả.

Theo đó, dự án thật đang "bị treo" do khó khăn thực sự của các nhà đầu tư sau hàng loạt biến động của xã hội; đồng thời đâu là "Dự án giả" nhằm mục tiêu chiếm dụng đất của nông dân, chờ cơ hội "sang nhượng lại" kiếm lời.... không phải là dễ dàng.

Bởi các “Dự án giả” thường được hình thành từ sự “liên kết chặt chẽ” giữa các doanh nghiệp với những cán bộ thoái hóa của địa phương, khiến nó có đầy đủ các loại giấy tờ và lý do để khẳng định nó cần thiết cho địa phương ấy, cho người dân nơi ấy. Tuy nhiên, nếu nó có chậm triển khai, thì cũng có hàng trăm lý do để biện minh cũng xuất phát từ sự phối hợp tay trong này.

Một điều cần lưu ý, cách tính quy hoạch sân golf, tất cả đều có quy chuẩn và diện tích chỉ tăng theo số lỗ của sân. Song tại Việt Nam, các nhà đầu tư còn linh động phối kết hợp ra nhiều loại hình như: “sân golf – du lịch sinh thái” hay “sân golf – khu nghỉ dưỡng” như mô hình ở Sầm Sơn, Thanh Hóa kể trên… để có thể mở rộng diện tích tối đa.

Chọn phương án đầu tư này, nhà đầu tư không chỉ dễ dàng vượt qua các thủ tục thẩm định phức tạp, không cần đầu tư nhà, xưởng, thiết bị như các ngành nghề khác, mà vẫn được phép "thu hồi" một diện tích đất vô cùng lớn.

Khi nắm được đất trong tay, họ có thể chuyển sang làm việc khác như là xây nhà để bán và xây khách sạn cho thuê.

Hay nói cách khác, “dự án giả” là cách để vơ đất cho vào túi rồi khi nào có lời thì chuyển đổi hoặc lấy ra dùng dần, trong khi quỹ đất dành cho nông nghiệp, hay công nghiệp vẫn là một sự khó khăn với các cơ quan quản lý.

Ngoài ra, những bài học về thu hồi đất sản xuất của dân nhưng không tính đến an sinh xã hội, chăm lo sản xuất, công việc cho người dân nơi đó, tạo ra những bất ổn xấu vẫn còn là vấn đề nhức nhối tồn tại.

Thêm một sân golf ở Thanh Hóa, Việt Nam có thêm chỗ chơi cho những người giàu, trong khi đó, những người lao động nông thôn địa phương, có lẽ họ không trông mong nhiều đến cái mô hình “kích thích kinh tế” kiểu như vậy.

(Theo DVO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM