Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tòa án xét xử vụ người mua nhà kiện chủ đầu tư Keangnam

Cập nhật: 14/06/2015 08:00

Sáng nay (ngày 12/6), Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm đã mở phiên toà xét xử vụ kiện dân sự về việc tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa nguyên đơn là bà T.V.Thanh và bị đơn Công ty TNHH MTV Kengnam-Vina.

Cụ thể, năm 2009, bà Thanh và Keangnam ký kết hợp đồng mua căn hộ A710 với diện tích 118,75m2, tổng giá trị 319.394 USD, đặt cọc trước khi chính thức ký hợp đồng là 5.000 USD.

Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, bà Thanh cho rằng, phía Keangnam đã có nhiều vi phạm gây ra thiệt hại cho bà. Đã nhiều lần làm việc với nhau nhưng hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận. Vì thế, bà Thanh nộp đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mua bán căn hộ A710, đồng thời yêu cầu Keangnam hoàn trả cho bà Thanh tổng số tiền là 781 triệu đồng.

Nguyên đơn cho biết, Keangnam đã vi phạm những quy định về việc quản lý ngoại hối của Việt Nam. Theo đó, điều khoản giá bán căn hộ và những đợt thanh toán trong hợp đồng mua bán do Keangnam soạn thảo quy định đồng tiền thanh toán là USD, điều này vi phạm những quy định về quản lý ngoại hối.

Thời gian sau đó, bà Thanh tạm dừng thanh toán tiền và đề nghị Keangnam điều chỉnh mức giá bán căn hộ và những đợt thanh toán bằng VND thay vì USD. Tuy nhiên, phía Keangnam không chấp thuận.

Vì thế, bà Thanh đã làm đơn khiếu nại gửi đến Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sau khi thanh tra đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Keangnam. Cụ thể, phạt công ty này 8,5 triệu đồng.

Tranh chấp quan trọng nhất giữa khách hàng và chủ đầu tư Kengnam là cách tính diện tích căn hộ chung cư

Bên cạnh việc thanh toán bằng ngoại tệ thì tranh chấp quan trọng nhất giữa hai bên là cách tính diện tích căn hộ, tim tường hay thông thủy.

Được biết, tháng 4/2011, căn hộ này đã được hoàn thiện nhưng bà Thanh chưa nhận bàn giao do tranh chấp về đồng tiền thanh toán vẫn chưa được giải quyết. Lúc đó, bà Thanh tới xem căn hộ khác có cùng thiết kế trong tòa nhà này thì phát hiện ra căn hộ được xây dựng không đúng với nội dung thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết.

Những quy định của pháp luật và các điều khoản trong hợp đồng cho thấy, diện tích căn hộ trong hợp đồng mua bán không bao gồm diện tích của cột, tường, hộp kỹ thuật. Nghĩa là diện tích căn hộ mà khách hàng đã ký hợp đồng mua bán là diện tích được tính từ tim tường tới tim tường và không bao gồm phần diện tích thuộc sở hữu chung trong căn hộ (nếu có). Đặc biệt, toàn bộ diện tích căn hộ chung cư khách hàng đã trả tiền mua phải là sở hữu riêng.

Theo thông tin nguyên đơn cung cấp, tất cả các quy định của hợp đồng, căn cứ với những quy định của pháp luật có liên quan đều dẫn tới kết luận là diện tích căn hộ chung cư mà khách hàng đã mua chính là diện tích được tính từ tim tường tới tim tường và cũng không bao gồm phần diện tích thuộc sở hữu chung trong căn hộ (nếu có). Tất cả diện tích căn hộ khách hàng đã thanh toán tiền phải thuộc sở hữu riêng.

Tuy nhiên, thực tế Keangnam đã phân chia tất cả phần diện tích thuộc sở hữu chung (cột, tường, hộp kỹ thuật, khung chịu lực) của tòa nhà vào trong diện tích căn hộ và bán cho người mua. Kết quả xem xét cho thấy, thẩm định tại chỗ do Tòa án trưng cầu hồi tháng 4/2014 và căn cứ vào Văn bản kiến nghị cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư thì căn hộ A710 có diện tích sàn (đo từ tim tường tới tim tường) là 103,74m2. Như vậy, diện tích còn thiếu so với nội dung hợp đồng là 15,01m2.

Do đó, bà Thanh đã làm việc với phía Keangnam để yêu cầu điều chỉnh diện tích và giá cho phù hợp với thực tế và căn cứ vào sự điều chỉnh đó bà sẽ trả số tiền còn lại cho Keangnam và nhận bàn giao nhà.

Tuy nhiên, phía Keangnam không chấp thuận đề nghị của khách hàng. Vì thế, bà Thanh đã khởi kiện.

Trong phiên tòa sơ thẩm, theo đại diện của bị đơn Keangnam, không có căn cứ để hủy bỏ hợp đồng mua bán căn hộ giữa Keangnam và bà Thanh. Về việc thanh toán ngoại tệ do nguyên đơn đưa ra, Keangnam cho rằng, họ không niêm yết giá bán căn hộ bằng ngoại tệ cũng không nhận thanh toán giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ. Hợp đồng quy định đơn giá thanh toán bằng USD và đã được quy đổi thành VND, việc thanh toán được tiến hành bằng USD.

Với những công văn của Ngân hàng Nhà nước về việc thanh toán ngoại tệ trong giao dịch mua bán căn hộ chung cư, phía Keangnam cho rằng, đó không phải là những văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là những công văn hướng dẫn.

Hơn nữa, Keangnam còn cho rằng, việc tính diện tích căn hộ đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật, hợp đồng nếu có lệch thì là sai số rất nhỏ, chỉ 0,08m2...

Kết quả sau 1 ngày xét xử, TAND quận Nam Từ Liêm đã đưa ra quyết định nghị án kéo dài và sẽ có phán quyết vào 17/6 tới.    

(Theo Đầu tư chứng khoán)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM