Đại dịch Covid-19 với hệ quả giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển đã tác động đến xu hướng du lịch của người dân. Dịch bệnh khiến xu hướng du lịch gần nhà, hay còn gọi là staycation lên ngôi, kéo theo sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
Khác với những chuyến du lịch dài ngày, đến những địa điểm xa xôi, “staycation” là chuyến du lịch ngắn ngày, hướng đến những địa điểm gần nơi sống của người đi du lịch. Tại Hà Nội, xu hướng du lịch ngắn ngày bùng nổ mạnh mẽ sau hai đợt đại dịch Covid-19, tất yếu dẫn đến sự khởi sắc của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
Chị Phương Linh, quản lý một homestay ở Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, sau đợt giãn cách xã hội tháng 4, homestay chị quản lý luôn full phòng vào các dịp cuối tuần. Các ngày trong tuần dù còn phòng trống nhưng lượng khách thuê bắt đầu đông đảo trở lại so với trước giãn cách tháng 4. Lượng khách này không hề kém cạnh so với các đợt cao điểm của năm ngoái. Đối tượng khách hàng có đến hơn 80% là người trẻ.
Đồng quan điểm, anh Phú Vinh, chủ 1 khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ ở ven Hà Nội cho biết, lượng khách tăng mạnh sau tháng 4, có phần chùng xuống vào cuối tháng 7 và tháng 8 khi dịch bệnh bùng phát lại nhưng sau đó tiếp tục tăng vào thời điểm cuối tháng 9 và tháng 10 khi dịch được kiểm soát. Theo anh Vinh, nghỉ dưỡng ven đô như một cốc nước trong tầm với của nhiều người bởi gần, nhanh và rẻ; giải cơn khát du lịch sau thời gian cách ly, giãn cách.
Một khảo sát của Khonhadat.vn cho thấy một số khu nghỉ dưỡng, homestay ven đô thuộc Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Sơn Tây (Hà Nội), Hòa Bình, Vĩnh Phúc… đều kín phòng vào dịp cuối tuần. Khách muốn có phòng phải đặt trước đó 7 ngày, thậm chí có homestay khách còn phải đặt và chuyển cọc trước đó nửa tháng mới có phòng dịp cuối tuần.
Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô phát triển nhờ sự lên ngôi của xu hướng staycation sau dịch Covid-19.
Chị Vũ Kiều Linh (khu HH Linh Đàm, Hoàng Mai), người đã có 4 chuyến nghỉ dưỡng ven đô từ tháng 5 đến giờ cho biết mọi năm chị vẫn du lịch xa 3-4 lần vào các dịp lễ nghỉ dài ngày hoặc tranh thủ nghỉ phép, chưa kể các dịp du lịch gần. Thời sinh viên chị từng là một phượt thủ nên rất đam mê du lịch. Covid-19 khiến chị cảm thấy rất “cuồng chân”. Do đó, khi dịch được kiểm soát, chị chọn du lịch gần là nghỉ dưỡng ven đô để hạn chế di chuyển bằng máy bay và đi xa. Việc du lịch gần không chỉ hạn chế di chuyển xa mà còn giúp chị Linh tiết kiệm đáng kể chi phí khi thu nhập sụt giảm.
Chị Trương Hoài Giang, nhân viên kinh doanh một công ty du lịch cũng cho biết, voucher nghỉ dưỡng ven đô đang được hỏi mua nhiều và số lượng bán cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, không phải điểm nghỉ dưỡng ven đô nào cũng hút khách du lịch. Theo chị Giang, các khu vực được khách tìm mua nhiều là khu ven như Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, hay giáp ranh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hòa Bình… - nơi có sự hiện diện của các resort hiện đại. Bên cạnh các resort, những homestay ven đô có sự độc lạ trong kiến trúc, cảnh quan, không gian sống cũng thu hút khách du lịch.
Nhận định về xu hướng này, đại diện JLL cho biết, trong bối cảnh hạn chế đi lại và cảnh giác cao về vấn đề an toàn, trào lưu du lịch gần nhà đang nở rộ trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nếu kỳ nghỉ (vacation) thường được hiểu là một chuyến đi dài ngày đến những nơi xa trong và ngoài nước, thì “staycation” sẽ là chuyến du lịch ngay tại thành phố sở tại, hoặc các thành phố lân cận chỉ cách vài tiếng di chuyển. Staycation vẫn có thể đáp ứng nhu cầu thay đối không khí và thư giãn, mà không tốn quá nhiều thời gian di chuyển. Trào lưu “staycation” là một cứu cánh của nền du lịch nội địa Việt Nam.
Ở Việt Nam, sau nhiều tháng đóng cửa, cơn “đói” du lịch đang là động lực thúc đẩy doanh thu cho ngành khách sạn. Ngoài các chương trình giảm giá hấp dẫn hoặc các gói khuyến mãi, các chuỗi khách sạn cũng cần nghiên cứu thêm để mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng nội địa. Đây là thời điểm để các khách sạn thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm các loại hình khác nhau để gia tăng giá trị dịch vụ.
Theo ThanhnienViet