Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tranh chấp nhà tiền tỷ không có di chúc

Cập nhật: 30/10/2013 20:33

Hỏi: Ba mẹ tôi có 2 căn nhà mặt đường cũng có giá tiền tỷ. Tuy nhiên, ba tôi mất 2 năm nay rồi nhưng không để lại di chúc nên giờ gia đình tôi đang xáo trộn.

Mỗi người đều chia mỗi kiểu nên chưa thống nhất được phải chia như thế nào. Ba mẹ tôi có 3 người con và bà nội tôi vẫn còn sống. Vậy tôi xin hỏi một nửa tài sản của ba tôi được chia cho những ai, bà nội tôi có được hưởng một phần trong đó không. Và nếu bà tôi được một phần trong đó khi bà tôi mất đi không để lại di chúc thì các cô các chú và bác tôi có được hưởng phần tài sản của bà nội được thừa kế đó không? Vì hiện nay một số cô chú đang đòi gia đình tôi định giá tài sản để chia cho các cô các chú ấy. Cám ơn luật sư.

Ảnh minh họa

Trả lời:

Do Cha bạn trước khi mất không để lại di chúc, nên phần di sản để lại sẽ được thừa kế theo pháp luật, căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 675 BLDS.

Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

Đây là tài sản chung của cha mẹ bạn tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên khi cha mất trước thì phát sinh quan hệ thừa kế phần của cha tức ½ khối tài sản này.

Phần di sản của cha bạn sẽ được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ 1 gồm bà nội, mẹ của bạn, bạn và 2 anh em (đ.a, b, K.1, Đ.676 BLDS), tức chia làm 5 phần bằng nhau.

Phần của bà nội bạn hưởng được giải quyết trong quan hệ thừa kế của cha bạn. Sau này nếu bà nội mất thì mới phát sinh quyền thừa kế của bà cho các con (trường hợp bà không để lại di chúc thì chia theo luật. Giả sử bà mất và không có di chúc thì phần tài sản của bà (gồm phần được hưởng từ cha bạn cùng các tài sản riêng của bà) sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất (cha mẹ, chồng, con nuôi, con đẻ).

Như vậy thời điểm này thì các cô chú không có quyền yêu cầu chia phần tài sản của bà nội bạn, bởi chưa đến thời điểm mở thừa kế của bà (thời điểm mở thừa kế là thời điểm bà nội bạn qua đời, Đ.633 BLDS).

LƯU Ý:

Nếu có căn cứ việc chia thừa kế di sản do ba bạn để lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của mẹ bạn thì mẹ bạn có quyền yêu cầu hoãn chia thừa kế, hạn là 3 năm. Quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật HNGĐ, được giải thích cụ thể tại Điều 12 NĐ số 70/2001/NĐ-CP.

Điều 31. Quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng

3. Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định;

Nghị định 70/2001/NĐ- CP Quy định chi tiết thi hành luật hôn nhân và gia đình

Điều 12. Hạn chế quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của vợ, chồng khi một bên chết (Điều 31.

Việc hạn chế quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của vợ, chồng khi một bên chết theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Hôn nhân và gia đình được thực hiện như sau:

1. Thời hạn chưa cho chia di sản thừa kế theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Hôn nhân và gia đình không quá 3 năm.

Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên còn sống và gia đình là trường hợp nếu chia di sản thì bên còn sống và gia đình không thể duy trì cuộc sống bình thường do không có chỗ ở, mất tư liệu sản xuất duy nhất để tạo thu nhập hoặc vì các lý do chính đáng khác.

 
LS Nguyễn Thành Công- Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật

(Theo Vietnamnet)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM