Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Người thừa kế nhà đất mất trước người lập di chúc, di sản chia thế nào?

Cập nhật: 03/06/2020 00:00

Một trong những tình huống oái oăm gây phát sinh tranh chấp di sản thừa kế đó là người được thừa kế nhà đất mất trước người lập di chúc. Khi đó, di chúc có còn hiệu lực hay không và di sản thừa kế sẽ được chia như thế nào theo quy định của pháp luật?

Anh Du (Quận 5, TP.HCM) cho biết năm 2016, ông nội đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản, bao gồm nhà đất cho người con trai duy nhất là bố của anh. Nhưng 2 năm sau, bố anh đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, ông nội không viết lại di chúc mà nói miệng rằng phần nhà, đất đó sẽ do mẹ con anh Du thừa kế. Sau khi ông nội mất vào tháng 3/2020, hai người cô ruột không cho phép mẹ con anh Du nhận di sản thừa kế với lý do bố anh (người được thừa kế) đã mất trước ông nội. Điều này có đúng hay không và theo pháp luật, di sản thừa kế của ông nội anh Du sẽ được chia như thế nào?

Ba người tranh nhau di sản thừa kế là một ngôi nhà.
Người thừa kế nhà đất mất trước người lập di chúc, di sản chia thế nào? Ảnh minh họa: Internet

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 667 Bộ luật dân sự, một trong những trường hợp khiến di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần đó là khi người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc. Như vậy, trường hợp của anh Du là ông nội để lại nhà đất cho bố, nhưng bố anh Du lại mất trước ông nội nên di chúc này sẽ không có hiệu lực toàn bộ.

Thời điểm bố anh Du mất, ông nội có hứa miệng sẽ chuyển phần thừa kế nhà đất trong di chúc cho mẹ con anh Du, tuy nhiên ý nguyện này không được lập thành văn bản và chưa đủ điều kiện để được coi là di chúc miệng hợp pháp (theo Điều 651, Điều 652, Bộ luật dân sự 2005) nên không có giá trị pháp lý.

Khi đó, toàn bộ tài sản mà ông nội anh Du để lại sẽ được chia theo pháp luật. Căn cứ Điều 676, Bộ luật dân sự về người thừa kế theo pháp luật, toàn bộ di sản của ông nội anh Du sẽ được chia đều cho 3 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Bố và 2 người cô ruột của anh Du.

Tuy nhiên, bố anh Du (người được hưởng thừa kế hàng thứ nhất) lại mất trước ông nội nên theo Điều 677, Bộ Luật dân sự về thừa kế thế vị, con ruột là anh Du sẽ được hưởng phần di sản mà lẽ ra bố của anh được hưởng nếu còn sống. Mẹ anh Du trong trường hợp này không được hưởng thừa kế di sản từ ông nội.

Theo Batdongsan.com.vn

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM