Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Cảnh báo các thủ đoạn lừa người mua nhà bằng giấy tờ giả, chủ sở hữu giả

Cập nhật: 29/09/2020 10:49

Người bán giả, giấy tờ nhà đất là thật hay cả người bán và giấy tờ nhà đất đều giả là những trường hợp lừa đảo đã xảy ra và được cảnh báo. Hay ngay cả khi người bán là chủ sở hữu, giấy tờ là thật nhưng nếu nhà chung sổ thì người mua vẫn có thể gặp rắc rối.

Việc làm giả giấy tờ hay dùng thủ đoạn để lừa người mua nhà hòng chiếm đoạt tiền đã xuất hiện không ít. Để không vướng vào bất kỳ rắc rối nào, người mua cần kiểm tra kỹ càng. Dưới đây là 3 trường hợp mà người mua cần lưu ý. 

1. Người bán là giả, giấy tờ nhà đất là thật

Một thủ đoạn lừa đảo khi mua bán nhà đất đã được các cơ quan chức năng cảnh báo đó là đánh tráo sổ đỏ. Chẳng hạn như trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm (đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM). Cuối năm 2018, có một nhóm khách đến xem căn nhà mà bà Diễm đang rao bán. Nhóm khách này yêu cầu được xem sổ đỏ của căn nhà, có chụp lại hình và cả giấy tờ cá nhân của bà Diễm để đi kiểm tra, sau đó hẹn ngày khác đến đặt cọc. Sau đó vài ngày, nhóm khách này đến gặp bà Diễm nhưng việc thương lượng không thành công. Tháng 4/2019, bà Diễm mang sổ đỏ đi công chứng để bán nhà cho người khác thì phát hiện sổ đã bị thế chấp ở Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh Gò Vấp, quyển sổ bà giữ chỉ là sổ giả. Tìm hiểu thì bà Diễm mới biết nhóm khách đến xem nhà lần trước đã đánh tráo sổ đỏ của bà, sau đó đến Phòng công chứng Hoàng Long (quận 11) để làm công chứng ủy quyền và tiếp tục qua phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ (quận 6) làm thủ tục mua bán với nhau.

Không riêng bà Diễm, có nhiều trường hợp khác cũng đã bị những kẻ giả danh người mua đến xem nhà, thông tin trên giấy tờ sau đó làm giả sổ đỏ và thực hiện đánh tráo vào lần xem nhà sau.

Nhiều đối tượng lừa đảo tạo tình huống giả để đánh tráo sổ đỏ nhằm chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa

2. Người bán và giấy tờ nhà đất đều là giả

Đi thuê căn hộ, sau đó làm giả giấy tờ để chứng minh mình là chủ sở hữu, sau đó bán cho người khác, đó là thủ đoạn của Lê Mai Hương. Tháng 2/2020, Lê Mai Hương thuê một căn hộ tại dự án Vinhome SkyLake (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của bà Đào Thị T, thời hạn hợp đồng đến tháng 5/2021. Vì Hương nợ chị V một khoản từ năm 2019 mà không có khả năng trả nợ nên Hương nảy sinh ý định làm giả giấy tờ chủ sở hữu căn hộ đang thuê để bán cho chị V.
  
Hương gửi thông tin cá nhân của mình để đặt làm sổ đỏ giả trên mạng với mức phí 700.000 đồng. Chỉ sau một ngày, Hương đã cầm trên tay cuốn sổ với tên chính chủ sở hữu là Lê Mai Hương. Sau đó, Hương mời chị V qua nhà chơi để lấy lòng tin, giới thiệu đó là căn hộ mà vợ chồng Hương mới mua. Đến tháng 6/2020, Hương nói với chị V là sẽ bán căn hộ với giá 4,2 tỷ đồng. Chị V do đã được xem giấy tờ từ lần chơi nhà trước nên đồng ý mua lại và sẽ chuyển 1 tỷ đồng mà Hương đang nợ thành tiền đặt cọc. Hương đưa sổ đỏ cho chị V để làm tin. Sau khi mang sổ đỏ đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để kiểm tra và phát hiện giấy tờ là giả, chị V đã trình báo lên cơ quan công an.

3. Người bán nhà là chủ sở hữu và có đầy đủ giấy tờ

Trường hợp này, người bán là chủ sở hữu, giấy tờ nhà đất là thật nhưng rắc rối đến từ việc chung sổ. Anh Minh (TP.HCM) kể lại, vì không muốn vay nhiều tiền mua đất, xây nhà, cũng không thích ở chung cư nên hai vợ chồng anh mua một ngôi nhà chung sổ với 3 nhà khác ở quận Tân Bình. Người bán cam kết dù chung sổ nhưng anh Minh vẫn được sửa chữa, mua bán bình thường. 

Ở được một thời gian, công ty anh Minh chuyển trụ sở về quận 7 nên hàng ngày, anh tốn rất nhiều thời gian di chuyển, lại còn tắc đường. Do đó, hai vợ chồng anh quyết định bán nhà để mua nhà mới gần chỗ làm. Rắc rối nhà chung sổ cũng xuất hiện từ đây khi phải có sự đồng ý của hai người đồng sở hữu. Trong khi đó, một gia đình có hiềm khích với gia đình anh nên không muốn giúp. Còn đồng sở hữu còn lại đã cho thuê lại nhà để ra nước ngoài sinh sống. Loay hoay sau hơn nửa năm, anh Minh mới bán được nhà với giá rẻ hơn mặt bằng chung.

Nhà chung sổ thường có giá rẻ hơn nhưng rắc rối lớn nhất nằm ở việc khai thác và định đoạt quyền sử dụng đất. Người mua cần lưu ý rằng vì chung sổ, tài sản thuộc sở hữu chung nên để sử dụng vào mục đích khác hoặc chuyển quyền sử dụng đất thì phải có sự đồng ý của các đồng sở hữu.

Theo ThanhnienViet

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM