Đều xuất thân tỉnh lẻ với 2 bàn tay trắng, bươn trải ở Hà Nội nhưng sau 4 năm kết hôn, vợ chồng tôi đã mua được một căn nhà riêng nhờ bí quyết chi tiêu và tiết kiệm có nguyên tắc.
Dưới đây là chia sẻ của chị Minh Tuyết (27 tuổi) về bí quyết mua nhà của mình:
Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh vùng núi phía Bắc, cách xa Thủ đô Hà Nội vài trăm cây số. Gia đình tôi 3 đời làm nông, kinh tế khá khó khăn nên hành trang ra đời của tôi chỉ có tấm bằng Đại học. Sau khi ra trường, tôi xin vào làm kế toán cho một Công ty dược với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng. Tại đây, tôi quen chồng tôi. Anh là nhân viên kinh doanh của công ty, hơn tôi 2 tuổi. Sau một năm quen biết rồi tìm hiểu, đầu năm 2013 chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân. Thời điểm đó, tổng thu nhập của chồng tôi bao gồm cả lương cơ bản và tiền hoa hồng vào khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Khi tôi quyết định kết hôn, một số bạn bè thân của tôi cũng khuyên hai đứa nên ổn định nơi ở trước rồi mới tính chuyện cưới xin. Nhưng thú thực lúc đó chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, bố mẹ hai bên đều khó khăn nên để xoay được một đống tiền mua nhà là chuyện ngoài sức tưởng tượng.
Sau khi cưới, hai vợ chồng tôi có 70 triệu đồng là tiền vàng mừng cưới. Ngoài khoản này, chúng tôi không có khoản tiết kiệm nào khác. Mỗi tháng tiền thuê trọ (phòng khoảng 16m2 có gác lửng) ở quận Cầu Giấy hết 2,5 triệu đồng. Cứ đến hạn đóng tiền nhà là hai vợ chồng tôi sốt ruột lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào vì số tiền 70 triệu có trong tay là quá nhỏ, chưa thể nghĩ tới việc mua nhà được. Cưới được gần 1 năm thì tôi có bầu. Sau khi có con, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về việc mua nhà vì muốn cho con một mái ấm thực sự. Hai vợ chồng quyết định ngồi lại với nhau bàn bạc và lên kế hoạch kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm hợp lý để nhanh có được căn nhà của riêng mình.
Vợ chồng tôi đã mua được một căn nhà riêng nhờ bí quyết chi tiêu và tiết kiệm có nguyên tắc. Ảnh minh họa
Là dân kế toán nên việc lập kế hoạch tài chính không quá khó khăn đối với tôi. Tôi bắt đầu vạch ra những nguyên tắc chi tiêu và tiết kiệm cho hai vợ chồng như sau:
Thứ nhất, hạn chế cầm tiền mặt. Chỉ nên để trong ví khoảng 1-2 triệu đồng vì nếu để nhiều tiền mặt trong ví dễ dẫn đến việc tiêu xài quá tay.
Thứ hai, lập sổ gửi góp. Sổ này có bao nhiêu tiền nhàn rỗi là gửi luôn vào đấy, kiểu như bỏ lợn đất hàng ngày/hàng tuần và cố gắng không sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định.
Thứ ba, tạo thói quen đóng sổ tiết kiệm dù chỉ có vài triệu đồng để hạn chế việc phá sổ.
Thứ tư, liên tục theo dõi lãi suất ngân hàng và chỉ gửi ngắn hạn 3-6 tháng, (tối đa 1 năm) để khi ngân hàng khác có lãi suất cao hơn có thể dễ dàng chuyển sang.
Thứ năm, các khoản chi tiêu trong gia đình (đã có hạn mức) đều phải ghi chép lại để cuối tháng tổng kết xem mình đã chi tiêu hợp lý chưa, thừa thiếu bao nhiêu, khoản nào không cần thiết thì tháng sau sẽ điều chỉnh lại.
Sau một thời gian, vợ chồng tôi có những bước ngoặt trong công việc. Có vốn Tiếng Anh tốt nên tôi chuyển sang làm kế toán cho một Công ty liên doanh với nước ngoài, thu nhập của tôi tăng lên 11 triệu đồng/tháng. Còn chồng tôi vẫn làm chỗ cũ nhưng được thăng chức lên trưởng phòng kinh doanh, thu nhập khoảng 17 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc chính, chồng tôi lại lấn sân qua tư vấn bảo hiểm cho một tập đoàn bảo hiểm nhân thọ của Canada, còn tôi bắt đầu bán online mỹ phẩm xách tay. Nhờ đó mỗi tháng vợ chồng tôi cũng kiếm thêm được khoảng 15 triệu đồng. Tổng thu nhập tăng lên cộng với việc đều đặn tuân thủ những nguyên tắc tài chính đã đề ra, đến đầu năm 2017 (tức 4 năm sau kết hôn), chúng tôi có số tiền tiết kiệm hơn 700 triệu đồng. Hai vợ chồng quyết định vay thêm 500 triệu đồng để mua một căn hộ giá rẻ diện tích 68,5m2 với giá 1,2 tỷ đồng (bao gồm cả nội thất). Trong đó, 350 triệu vay ngân hàng, 150 triệu vay bạn bè (mỗi người 20, 30, 50 triệu đồng).
Sau khoảng 3 năm chuyển về căn nhà mới, vợ chồng tôi đã trả gần hết nợ còn sắm thêm được một chiếc ô tô cũ để vợ chồng con cái đi làm, đi học hay về quê cũng đỡ vất vả.
Với sự quyết tâm, cố gắng và một chút may mắn mà vợ chồng tôi đã có được thành quả như ngày hôm nay. Trên đây là những kinh nghiệm thực tế của bản thân tôi, có thể không phải là những bí quyết chuẩn nhất nhưng tôi hi vọng câu chuyện của mình sẽ góp phần truyền thêm cảm hứng và động lực cho các gia đình trẻ đang chuẩn bị mua nhà.
Theo ThanhnienViet