Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Lỡ bán nhà nhưng không thể mua nhà khác tốt hơn vì thiếu tiền

Cập nhật: 03/12/2020 15:34

Muốn đổi nhà nhưng sau khi bán nhà cũ, nhiều người mới giật mình nhận ra với số tiền vừa nhận khó có thể mua được một căn khác dù chỉ tương tự nhà cũ chứ chưa nói đến “lên đời nhà mới”.

Năm 2012, vợ chồng chị Hà bán căn hộ cũ 1 phòng ngủ ở quận 7 được 700 triệu, cộng với 600 triệu tiền hai vợ chồng tiết kiệm được, dồn mua một ngôi nhà 2 tầng rộng 70m2. Diện tích này là tính thêm cả phần chủ nhà cơi nới còn diện tích trên giấy tờ chỉ là 62m2. Tính tất cả các chi phí, vợ chồng chị Hà phải bỏ ra 1,4 tỷ đồng để sở hữu ngôi nhà này. Nhà mới dù rộng rãi hơn nhưng ở càng lâu mới thấy có nhiều bất tiện như hẻm nhỏ nên khi muốn bắt taxi thì phải ra tận bên ngoài. Mỗi khi mùa hè oi nóng, nước ở dòng kênh phía sau nhà bốc lên hôi thối rất khó chịu. 

Năm 2016, có người ngỏ ý muốn mua lại căn nhà của vợ chồng anh chị, họ trả giá 1,8 tỷ đồng. Sợ không tìm được căn khác hợp ý nên hai anh chị vẫn chần chừ chưa muốn bán vội. Hai tháng sau đó, một người bạn của chị Hà rao bán căn nhà 60m2 ở quận 8, gần nơi chị làm, giá cũng 1,8 tỷ. Thấy giá ngang nhau, nhà cũng đẹp, lại gần nơi làm nên hai vợ chồng chị Hà quyết định đổi nhà. Nhưng ở được 8 tháng, công việc của chồng chị Hà có chút thay đổi nên thu nhập bị giảm. Anh chị thế chấp ngôi nhà để vay 400 triệu mua một chiếc ô tô cũ, tranh thủ thời gian rảnh chạy xe ôm công nghệ. Một năm sau, có người trả giá ngôi nhà 2,3 tỷ đồng, tính ra lãi 600 triệu chỉ sau 1 năm nên anh chị đồng ý bán luôn vì nghĩ hơn 2 tỷ thì tìm ngôi nhà khác cũng không quá khó. Lúc đó anh chị có tìm qua trên mạng thì thấy có không ít căn tầm giá này được rao bán.

Giá nhà đất tăng khiến nhiều người khó tìm được nhà mới tốt hơn sau khi bán nhà cũ. Ảnh minh họa

Giá nhà đất tăng khiến nhiều người khó tìm được nhà mới tốt hơn sau khi bán nhà cũ. Ảnh minh họa

Sau khi bán nhà, chính thức đi tìm nhà mới, vợ chồng chị mới “ngã ngửa” là giá nhà đất đã tăng nhanh đến thế. Mấy căn nhà giá khoảng 2 tỷ đồng mà anh chị đi xem nếu không nằm trong hẻm nhỏ hoặc dính quy hoạch thì nhà cũng xấu. Trước khi chốt mua một căn 2,9 tỷ đồng xấu hơn căn nhà cũ, anh chị phải ở trọ 8 tháng. Cũng may số tiền lãi từ việc gửi 2,3 tỷ tiền bán nhà coi như bù vào tiền đi thuê.

Tương tự vợ chồng chị Hà là trường hợp của anh Hùng. Nhận tiền đặt cọc của người mua, trong thời gian 2 tháng để hoàn tất giấy tờ và bàn giao nhà, anh vẫn không tìm được nhà mới. Không muốn mất hơn 300 triệu đền tiền đặt cọc nên hai vợ chồng anh chấp nhận đi thuê một căn hộ giá 5 triệu/tháng. Giá nhà ngày càng tăng, để mua được một căn như nhà cũ của anh cũng phải cần gần 2,5 tỷ đồng, trong khi giá anh bán lúc trước là 1,9 tỷ. Xác định đợi càng lâu càng khó mua nhà và không thể vào gần trung tâm nên anh chị quyết định mua một ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu diện tích 42m2 trong hẻm 3m ở Tân Thuận Tây, giá 1,7 tỷ. 

Bán nhà rồi loay hoay không tìm được nhà mới là chuyện nhiều người gặp phải. Tốc độ tăng giá bất động sản cao hơn mức tăng lương là thách thức lớn đối với người mua nhà. Đặc biệt, ở TP.HCM, giá bất động sản trong khoảng một thập niên gần đây tăng mạnh, nhất là từ năm 2018 trở về đây. Không riêng các sản phẩm cao cấp, ngay cả với chung cư bình dân, theo báo cáo thị trường quý 3/2020 của khonhadat.vn, nếu giá rao bán trung bình tại Hà Nội là khoảng 25 triệu đồng/m2 thì ở TP.HCM lên đến 32 triệu/m2 - tương đương với một căn hộ trung cấp ở Thủ đô. Các dự án chung cư giá rẻ dưới 20 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường TP.HCM trong 2 năm gần đây.

Báo cáo triển vọng thị trường bất động sản giai đoạn 2020-2030 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây đã chỉ ra 3 điểm nóng mới sẽ dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại đô thị này trong thập niên tới. Điểm nóng thứ nhất là TP. Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập các quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Điểm nóng thứ hai là 4 huyện nằm trong đề án chuyển đổi thành quận, gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Điểm nóng thứ ba là 26.000ha đất nông nghiệp thuộc diện chuyển đổi thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở. Phần đất này nằm rải rác ở các quận, huyện còn quỹ đất nông nghiệp. Thông tin này phần nào khiến những người đang có dự định mua nhà trong thời gian tới lo lắng sẽ ngày càng khó hiện thực hóa giấc mơ mua nhà, xây dựng tổ ấm.

Theo ThanhnienViet

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM